Thành phố lớn thứ hai của Anh tuyên bố phá sản

Thành phố lớn thứ hai của Anh đã tuyên bố phá sản vào ngày 5/9, ngừng tất cả các khoản chi tiêu không cần thiết sau khi bị yêu cầu trả số tiền lương bình đẳng có tổng giá trị lên tới 760 triệu bảng Anh.

Hội đồng thành phố Birmingham. Ảnh: AFP

Hội đồng thành phố Birmingham. Ảnh: AFP

Theo kênh CNN, động thái chưa từng có tiền lệ này đã gây sốc cho hệ thống quản lý thành phố Birmingham, gây lo ngại về tương lai các dịch vụ thiết yếu của thành phố.

Theo đó, do khủng hoảng tài chính, Hội đồng Thành phố Birmingham, nơi cung cấp dịch vụ cho hơn một triệu người, đã gửi thông báo theo Mục 114 để tạm dừng mọi khoản chi tiêu ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu.

Thông báo cho biết mức thâm hụt phát sinh do khó khăn trong việc thanh toán khoản tiền 650 - 760 triệu bảng Anh cho các yêu cầu thanh toán lương bình đẳng.

Thành phố Birmingham dự kiến bị thâm hụt 87 triệu bảng Anh trong năm tài chính 2023 - 2024.

Ngày 5/9, bà Sharon Thompson, Phó chủ tịch Hội đồng Thành phố Birmingham, nói với các ủy viên hội đồng rằng họ phải đối mặt với các vấn đề tồn tại từ lâu, trong đó có cả những lo ngại về trách nhiệm trả lương bình đẳng.

Bà Thompson cũng đổ lỗi một phần cho đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh, nói rằng Birmingham đã bị các chính phủ Bảo thủ liên tiếp tước mất khoản tiền 1 tỷ bảng Anh.

Bà nói: “Chính quyền địa phương đang phải đối mặt với tình huống tồi tệ. Giống như các hội đồng trên khắp nước Anh, rõ ràng hội đồng này phải đối mặt với những thách thức tài chính chưa từng có, như gia tăng nhu cầu chăm sóc xã hội dành cho người trưởng thành, sụt giảm đáng kể nguồn thu từ thuế kinh doanh, tác động của lạm phát tràn lan”.

Bà nói thêm: “Mặc dù hội đồng thành phố đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, nhưng thành phố vẫn rất đón nhận các hoạt động kinh doanh và chúng tôi luôn chào đón mọi người”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu: “Rõ ràng các hội đồng được bầu ở địa phương sẽ quản lý ngân sách của chính họ… Chính phủ đã thường xuyên hợp tác với các hội đồng để đạt được mục tiêu đó, đã bày tỏ lo ngại về cách quản lý, và đã yêu cầu lãnh đạo hội đồng đảm bảo sử dụng tốt nhất tiền của người nộp thuế”.

Chủ tịch Hội đồng Thành phố Birmingham, ông John Cotton, phát biểu với BBC rằng hội đồng sẽ đưa vào một mô hình việc làm mới để giải quyết vấn đề yêu cầu trả lương bình đẳng.

Khó khăn tài chính của Hội đồng Thành phố Birmingham bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng liên quan vấn đề lương bình đẳng và khoản thâm hụt ngân sách 87 triệu bảng Anh. Birmingham là thành phố đa văn hóa lớn nhất ở miền Trung nước Anh. Nơi đây đã tổ chức Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung năm 2022, một sự kiện thể thao lớn dành cho các quốc gia Khối thịnh vượng chung và dự kiến tổ chức Giải vô địch Điền kinh châu Âu năm 2026.

Mặc dù tình hình khó khăn của Hội đồng Thành phố Birmingham có quy mô chưa từng có, nhưng đây không phải là chính quyền địa phương đầu tiên ở Anh áp dụng thông báo theo Mục 114. Hội đồng Hackney đã đưa ra thông báo tương tự vào năm 2000, tiếp theo là Hội đồng Quận Northamptonshire vào năm 2018. Hội đồng Croydon và Thurrock ở Essex cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và có động thái tương tự. Hội đồng Woking tiếp tục ra thông báo phá sản vào tháng 6/2023 với lý do thiếu nguồn tài chính cực kỳ nghiêm trọng.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thanh-pho-lon-thu-hai-cua-anh-tuyen-bo-pha-san-20230906095520771.htm