Thành phố ma 3.400 năm tuổi 'nổi lên' giữa hồ trơ đáy ở Iraq
Một thành phố chìm 3.400 tuổi ở Iraq đã 'nổi lên' sau khi nước từ một hồ chứa lớn cạn dần vì hạn hán.
Các nhà khảo cổ học người Kurd và Đức đã khai quật một công trình cổ trong hồ chứa Mosul, dọc theo sông Tigris ở khu vực Kurdistan, miền Bắc Iraq, hồi tháng 1 và 2.
Đây là dự án hợp tác với Tổng cục Cổ vật và Di sản ở Duhok để bảo tồn di sản văn hóa của khu vực, CNN đưa tin hôm 20/6.
Địa điểm khảo cổ, Kemune, được cho là thành phố Zakhiku, một trong những trung tâm của Đế chế Mittani trị vì từ năm 1550 đến năm 1350 trước Công nguyên, thuộc thời kỳ đồ đồng.
Lãnh thổ của đế chế trải dài từ biển Địa Trung Hải đến miền Bắc Iraq, theo Ivana Puljiz, giáo sư khảo cổ học cận Đông tại Đại học Freiburg ở Breisgau, Đức, và là một trong những người chỉ đạo dự án.
Chạy đua với thời gian
Zakhiku bị nhấn chìm dưới nước sau khi chính phủ Iraq xây dựng đập Mosul vào những năm 1980 và từ đó hiếm khi lộ ra.
Sau khi nghe tin thành phố đã lộ ra, nhóm của bà Puljiz đã vội vã khai quật khu vực này vì không biết khi nào mực nước sẽ dâng trở lại.
"Do áp lực thời gian quá lớn, chúng tôi đã làm việc trong bất chấp thời tiết đóng băng, hay có tuyết, mưa đá, thậm chí cả bão, nhưng thỉnh thoảng cũng có ngày nắng, vì không biết khi nào nước sẽ dâng trở lại và chúng tôi sẽ có bao nhiêu thời gian", bà Puljiz nói.
Một cung điện đã được ghi chép lại khi thành phố nổi lên một thời gian ngắn vào năm 2018, và nhiều cấu trúc bổ sung đã được ghi lại trong cuộc khai quật mới nhất. Các khám phá khác bao gồm một công sự hoàn chỉnh với tháp và tường, cùng một tòa nhà nhiều tầng dùng để lưu trữ.
Các nhà nghiên cứu cho biết phần lớn cấu trúc được xây bằng gạch làm từ bùn phơi nắng, thường không bám chắc dưới nước.
Vào khoảng năm 1350 trước Công nguyên, Zakhiku đã phải hứng chịu một trận động đất, khiến phần trên của các bức tường sụp đổ, đè lên và che phủ các tòa nhà bên dưới.
“Phép màu”
Bà Puljiz cho biết có rất ít thông tin về những người Mittani cổ đại đã xây dựng thành phố, phần lớn là do các nhà nghiên cứu chưa xác định được thủ đô của đế chế, cũng như chưa phát hiện ra các kho lưu trữ tư liệu của họ. Tuy nhiên, một số hiện vật mới được khai quật có thể giúp cung cấp thông tin chi tiết.
Các nhà khảo cổ tìm thấy 5 bình gốm chứa hơn 100 phiến đất sét khắc chữ hình nêm, có niên đại gần với sự kiện động đất.
Chúng được cho là có từ thời Trung Assyria, kéo dài từ năm 1350 đến 1100 trước Công nguyên. Các hiện vật được cho là có thể làm sáng tỏ sự sụp đổ của thành phố cũng như sự trỗi dậy của chế độ Assyria trong khu vực.
Peter Pfälzner, giáo sư khảo cổ học cận Đông tại Đại học Tübingen và là một trong những người chỉ đạo cuộc khai quật, cho biết: “Điều này gần như là một phép màu, những phiến khắc chữ hình nêm làm bằng đất sét không nung đã tồn tại được nhiều thập kỷ dưới nước”.
Các phiến đất sét vẫn chưa được giải mã, nhưng bà Puljiz đưa ra giả thuyết rằng chúng thuộc về một văn khố tư nhân.
“Tôi rất tò mò sau khi nghiên cứu văn bản chữ hình nêm, điều gì sẽ được tiết lộ về số phận của thành phố và cư dân của thành phố sau trận động đất kinh hoàng”, bà nói.
Tất cả các hiện vật được khai quật, bao gồm những phiến đất sét, đang được lưu giữ trong Bảo tàng Quốc gia Duhok.
Trước khi thành phố một lần nữa biến mất dưới nước, các nhà nghiên cứu đã phủ bạt lên tàn tích và cố định bằng đá và sỏi. Bà Puljiz hy vọng biện pháp này sẽ bảo vệ địa điểm cổ xưa khỏi sự xói mòn của nước và ngăn nó biến mất hoàn toàn.