Thành phố Nam Định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thực hiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ tháng 1-2020, BHXH thành phố Nam Định sáp nhập vào BHXH tỉnh. Trên cơ sở đó, BHXH tỉnh thực hiện nhiều biện pháp để tăng thu, mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố Nam Định. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thực hiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ tháng 1-2020, BHXH thành phố Nam Định sáp nhập vào BHXH tỉnh. Trên cơ sở đó, BHXH tỉnh thực hiện nhiều biện pháp để tăng thu, mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố Nam Định. Hết năm 2021, thành phố Nam Định có 89.280 người tham gia BHXH, 273.632 đối tượng tham gia BHYT; tổng thu quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 1.762 tỷ 359 triệu đồng.
Để đạt kết quả trên, BHXH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Các phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thành phố... cung cấp hàng nghìn tờ rơi BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện, BHYT học sinh, sinh viên, tài liệu về Luật BHXH, BHYT đến các tầng lớp nhân dân; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT tại các xã, phường, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Qua các đợt tuyên truyền, đối thoại, nhận thức của người dân về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT được nâng lên. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã tập trung thực hiện các giải pháp thu, chi BHXH; giải quyết kịp thời hồ sơ và chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. Trong công tác thu BHYT, BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh tổ chức khảo sát cơ sở, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho nhân viên các đại lý thu ở các trạm y tế, bưu điện, Hội Phụ nữ phường, xã, từ đó số lượng và chất lượng các đại lý thu trên địa bàn thành phố được nâng lên. Để phục vụ người dân tốt hơn, BHXH tỉnh tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, triển khai giao dịch điện tử trong đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN... Các cán bộ, nhân viên bảo hiểm luôn xác định thời gian làm việc của bộ phận “Một cửa” không chỉ trong giờ hành chính, mà làm việc đến khi hết đối tượng khách hàng giao dịch. Trước kia, việc quản lý, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC được thực hiện thủ công nên thường có tình trạng khiếu nại về việc thất lạc hồ sơ, giải quyết hồ sơ chậm, muộn. Từ khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách TTHC, 100% TTHC đã được tiếp nhận và trả kết quả đảm bảo chính xác, nhanh chóng. Thủ tục hồ sơ đăng ký, quy trình thực hiện, thời hạn giải quyết đăng ký nộp BHYT được rút ngắn, tạo điều kiện tối đa cho đơn vị sử dụng lao động và nhân dân khi đăng ký tham gia BHYT. Ngoài ra, để tạo điều kiện tốt nhất cho người có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh thuận tiện, nhanh chóng, BHXH tỉnh phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố cải tiến thủ tục, quy trình tiếp đón người bệnh thuận lợi, không để bệnh nhân phải chờ lâu, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Năm 2021, thành phố Nam Định có gần 1,4 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số tiền khoảng 780 tỷ đồng. BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động thanh quyết toán kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức cho người lao động… Hết năm 2021, BHXH tỉnh đã giải quyết 27.591 lượt người hưởng chế độ ốm đau, trợ cấp thai sản cho 10.887 lượt người; trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 3.576 lượt người trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh những kết quả tích cực, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố Nam Định vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của người lao động. Một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn tiếp diễn chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Để khắc phục tình trạng nợ đọng các khoản bảo hiểm, BHXH tỉnh thường xuyên đôn đốc, trực tiếp xuống làm việc với đơn vị sử dụng lao động đề nghị nộp tiền hoặc cam kết lộ trình nộp tiền để giảm số nợ BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị có số nợ dưới 3 tháng. Thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN; thanh tra đột xuất đối với các đơn vị sử dụng lao động có thời gian nợ từ 3 tháng trở lên. Lập danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN gửi UBND thành phố để đề nghị phối hợp đôn đốc các đơn vị nợ trên địa bàn nộp tiền để đảm bảo quyền lợi cho người lao động; gửi văn bản đề nghị đơn vị chủ quản của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc hưởng lương ngân sách về tình hình nợ; lập danh sách các đơn vị nợ báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan phối hợp với cơ quan BHXH trong công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng; phối hợp với các phòng chức năng của Công an tỉnh đôn đốc, nhắc nhở đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN.
Để tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT ở thành phố Nam Định, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật BHXH nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, giúp người lao động, người sử dụng lao động thấy rõ vai trò, ý nghĩa, tính nhân văn của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành và chất lượng phục vụ người lao động. Thực hiện cải cách TTHC theo hướng “nhanh gọn, thuận lợi, hiệu quả” nhằm giải quyết tốt các chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp; giúp người lao động và người sử dụng lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm chính sách BHXH theo quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Viết Dư