Thành phố New York yêu cầu WHO đổi tên bệnh đậu mùa khỉ
Theo Ủy viên Y tế New York, thuật ngữ đậu mùa khỉ 'bắt nguồn từ một lịch sử phân biệt chủng tộc và đau đớn đối với các cộng đồng da màu'.
Ngày 26/7, chính quyền Thành phố New York đã gửi thư yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đổi tên "bệnh đậu mùa khỉ" trong tiếng Anh - một cái tên bị coi là kỳ thị và có nguy cơ đẩy bệnh nhân tự cô lập hơn là tìm kiếm sự chăm sóc.
Ủy viên Y tế thành phố New York, Ashwin Vasan, viết trong một bức thư gửi cho Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus: "Chúng tôi ngày càng lo ngại về những tác động và kỳ thị mà thông điệp về virus đậu mùa khỉ có thể gây ra đối với một số cộng đồng vốn đã dễ bị tổn thương".
Theo Ủy viên Y tế Ashwin, "thuật ngữ" này cũng "bắt nguồn từ một lịch sử phân biệt chủng tộc và đau đớn đối với các cộng đồng da màu". Trong bức thư của mình, ông nhắc lại những tác động tiêu cực khi xuất hiện virus AIDS (HIV) hoặc sự phân biệt chủng tộc mà các cộng đồng châu Á phải gánh chịu sau đại dịch COVID-19, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó đã mô tả là "virus Vũ Hán".
New York, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ
Theo báo cáo công bố ngày 25/7 của WHO, bệnh đậu mùa khỉ hiện đã lây lan ra 75 nước trên thế giới, với hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh. Cho đến nay, châu Âu và Mỹ chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do căn bệnh này.
New York là thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Mỹ về số ca bệnh, với 1.092 ca nhiễm bệnh được phát hiện kể từ khi bắt đầu dịch.
"Việc tiếp tục sử dụng thuật ngữ bệnh đậu mùa khỉ để mô tả đợt bùng phát hiện tại có thể khơi dậy những cảm giác đau thương về phân biệt chủng tộc và kỳ thị - đặc biệt đối với người da đen và người da màu khác, cũng như các thành viên cộng đồng LGBTQIA +, và họ có thể tránh sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng vì lý do này" - Ashwin Vasan nói thêm.
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, nhưng kể từ khi xuất hiện ở châu Âu và Hoa Kỳ, loại virus này đã lây lan mạnh mẽ ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Các nhà khoa học yêu cầu cần nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này.
Tổ chức Y tế Thế giới lo lắng trước sự gia tăng của các ca bệnh, vừa đưa ra mức cảnh báo cao nhất. Hiện nay các nhà khoa học đã kêu gọi xem xét căn bệnh này một cách nghiêm túc hơn nữa.
Đây là lần thứ 7 WHO kích hoạt ngưỡng này kể từ năm 2009, bằng chứng về một thông điệp mạnh mẽ được gửi đến thế giới và lời kêu gọi một sự khởi đầu chung.