Thành phố Ninh Bình khẩn trương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngay khi được phê duyệt về số người và số tiền chi trả cho đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Ninh Bình đã khẩn trương chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định, đảm bảo việc chi tiền hỗ trợ đến đâu đúng đối tượng, chính xác, an toàn đến đó.
Cầm trên tay số tiền 1,5 triệu đồng, chị Đinh Thị Tươi, phố Tân Trung, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) thuộc đối tượng lao động tự do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 không khỏi bùi ngùi, xúc động. Chị Tươi cho biết, số tiền không quá lớn, nhưng là sự động viên và quan tâm của Nhà nước cho những người dân khó khăn do đại dịch, nên có ý nghĩa rất lớn, động viên mỗi người cùng cố gắng, chung sức cùng Đảng và Nhà nước vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
"Tôi bán hàng nước và cho trẻ em thuê xe đồ chơi tại khu vực cổng chào, đường vào Khu sinh thái du lịch Tràng An. Công việc của chồng là bảo vệ cho 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nên cũng chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, phải tạm nghỉ việc mấy tháng nay. Số tiền được Nhà nước hỗ trợ cho 2 vợ chồng trong những ngày tháng dịch bệnh vừa qua cũng phần nào giúp gia đình vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống tạm ổn cho 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con. Chúng tôi mong sao dịch bệnh được khống chế, để cuộc sống trở lại bình thường..." - chị Tươi chia sẻ.
Cũng như chị Tươi, bà Đinh Thị Hoài, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) vui mừng và thấy yên tâm hơn hẳn khi được nhận số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng của Nhà nước. Bà Hoài chia sẻ, bà vốn là người đã có tuổi, không làm được việc nặng, nên chọn công việc bán hàng nước vỉa hè tại 1 phố gần nhà. Do dịch bệnh phức tạp, cuối tháng 5/2021, UBND thành phố Ninh Bình ban hành Công văn số 282, trong đó bà Hoài thuộc nhóm đối tượng phải nghỉ việc để phòng chống dịch.
Nghỉ việc, đồng nghĩa với cuộc sống gặp nhiều khó khăn do không có nguồn thu. Nên khi được cán bộ phố thông báo, bà thuộc đối tượng lao động tự do được Nhà nước hỗ trợ, bà Hoài rất phấn khởi. Được hướng dẫn về các thủ tục, bà Hoài nhanh chóng hoàn thiện để được nhận gói hỗ trợ. Chỉ vài tuần sau, bà Hoài nhận được giấy báo đến UBND phường nhận hỗ trợ bằng tiền mặt.
Anh Phạm Ngọc Thảo, công chức lao động, TB & XH phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, phường Tân Thành đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Để chính sách của Nhà nước đến được với người dân, phường Tân Thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh, qua đội ngũ cán bộ tổ dân phố...
"Chúng tôi yêu cầu các tổ dân phố rà soát chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng quy định. Đồng thời, phổ biến cho người dân về các văn bản liên quan, về mức hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm thủ tục hồ sơ..., đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để sai sót, thiếu đối tượng những cũng không để trục lợi tiền của Nhà nước. Tính riêng đối tượng lao động tự do, qua rà soát trên địa bàn phường Tân Thành, có 64 trường hợp đủ điều kiện được hỗ trợ, với số tiền trên 96 triệu đồng. Ngay khi có nguồn tiền, chúng tôi thông báo cho người dân đến nhận chỉ trong vòng 1 ngày, đảm bảo nhanh chóng, chính xác và an toàn..." - anh Thảo khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Ánh, Phó Trưởng phòng LĐ, TBXH thành phố Ninh Bình cho biết: Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Ninh Bình đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Qua rà soát, đến hết tháng 8/2021, trên địa bàn thành phố có gần 250 doanh nghiệp, người sử dụng lao động thuộc đối tượng vay vốn theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, thành phố có 4 doanh nghiệp được giải ngân số tiền trên 1 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho trên 270 lượt lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động nhanh chóng làm hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các đối tượng là người lao động, người dân được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả rà soát những đối tượng bị ảnh hưởng đợt dịch từ cuối tháng 4/2021. Đến ngày 15/9, thành phố Ninh Bình có trên 900 đối tượng được đề xuất hỗ trợ. Trong đó, có 180 người thuộc diện cách ly y tế; 279 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 8 lao động ngừng việc làm tại doanh nghiệp phải cách ly y tế; 456 lao động không có giao kết hợp đồng.
Đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt danh sách, cấp kinh phí hỗ trợ cho 782 đối tượng, với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Các xã, phường cũng đã nhanh chóng chi trả cho các đối tượng bằng hình thức chuyển khoản và chi tiền mặt trực tiếp. Riêng với đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng, đã được chi trả hoàn thành ngay trong ngày 16/9. Đối với các đối tượng khác, tiếp tục rà soát, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ…
Để các gói hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, thành phố Ninh Bình cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách. Đồng thời, Phòng Lao động, TBXH thành phố chỉ đạo và phối hợp với chính quyền các địa phương, tiếp tục rà soát, thẩm định, không để sót, nhầm đối tượng trong diện hỗ trợ, đảm bảo đúng quy trình, quy định. Qua đó giúp người lao động và người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.