Thành phố Rafah 'nghẹt thở'
Ngày 7-5, quân đội Israel đã triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Rafah và bước đầu giành quyền kiểm soát phía Palestine của cửa khẩu Rafah, giáp biên giới với Ai Cập ở phía Nam Gaza.
Tấn công trên bộ và trên không
Theo CNN, lực lượng Israel tấn công Rafah ở rìa phía Nam Gaza từ trên không và trên mặt đất, đồng thời ra lệnh di tản người dân rời khỏi các khu vực của thành phố, từng là nơi ẩn náu của hơn 1 triệu người Palestine. Các khu vực bị tấn công nằm gần vành đai Sân bay quốc tế Gaza, khu vực Al-Shuka, khu vực Abu Halawa, khu phố Salaheddin và khu phố Salam.
Các quan chức y tế Palestine cho biết xe tăng và máy bay của Israel tấn công khiến 20 người Palestine thiệt mạng và một số người khác bị thương. Trong khi đó, Đài phát thanh quân đội Israel ngày 7-5 đưa tin, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã bắn hạ khoảng 20 máy bay chiến đấu và tìm thấy 3 đường hầm. Trong một thông báo đăng tải trên mạng xã hội X, người phát ngôn IDF Daniel Hagari thông báo các lực lượng Israel “hiện đang tấn công và hoạt động” nhằm vào các mục tiêu của Hamas một cách có chủ đích ở Đông Rafah.
Trong suốt 7 tháng xảy ra cuộc xung đột, Rafah, cửa khẩu duy nhất không nằm dưới sự kiểm soát của Israel, được coi là tuyến đường huyết mạch chính dẫn ra thế giới bên ngoài đối với 2,3 triệu người Palestine ở Gaza, cho phép vận chuyển hàng cứu trợ và bệnh nhân ra khỏi Gaza đến các cơ sở điều trị bên ngoài vùng lãnh thổ này.
Trong một thông báo, Cơ quan quản lý cửa khẩu và biên giới Gaza đã xác nhận mọi hoạt động đi lại và dòng viện trợ qua cửa khẩu đã dừng lại. Hai cửa khẩu chính vào phía Nam Dải Gaza là Rafah và Kerem Shalom vẫn đóng cửa, gần như cắt đứt khu vực này, nơi có khoảng 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đang trú ẩn, khỏi viện trợ từ bên ngoài.
Dư luận thế giới phản đối
Ngày 7-5, người phát ngôn Chính phủ Israel kêu gọi các tổ chức quốc tế sơ tán khỏi các khu vực của thành phố Rafah. Phản ứng trước động thái này, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Israel và Hamas nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cảnh báo Israel rằng cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza sẽ “là sai lầm chiến lược, tai họa chính trị và cơn ác mộng nhân đạo”.
Cùng ngày, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, bày tỏ lo ngại “không có vùng an toàn ở Gaza” để người dân Palestine lánh nạn, lưu ý rằng có 600.000 trẻ em đang cư trú ở khu vực đông dân cư này. Ông Borrell nhấn mạnh, EU và Mỹ đều đã yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngừng tấn công Rafah.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chính phủ nước này đã thể hiện rõ quan điểm với Israel về cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Rafah. Chính quyền Mỹ vẫn tin rằng thỏa thuận trao đổi con tin là điều tốt nhất và có lợi cho cả người dân Palestine và Israel, theo đó sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn ngay lập tức và cho phép tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi các bên quốc tế có ảnh hưởng hãy can thiệp và gây sức ép nhằm giảm căng thẳng tại Rafah; kêu gọi Israel kiềm chế tối đa và tránh hành động đe dọa các nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.
Liên quan đến xung đột Hamas - Israel, gia đình các con tin bị Hamas bắt giữ tại Gaza cũng kêu gọi Mỹ và các chính phủ khác có công dân bị bắt giữ tại vùng lãnh thổ này gây sức ép đối với chính quyền Israel để để đạt được thỏa thuận với Hamas về vấn đề trao trả con tin.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thanh-pho-rafah-nghet-tho-post738844.html