Thành phố sân bay Long Thành cần bài bản, tránh việc giành đất làm dự án địa ốc
Dự kiến, năm 2025 sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động. Hiện tỉnh Đồng Nai đang bước vào giai đoạn cuối cho quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Đây là tiền đề cho Đồng Nai định hướng phát triển đô thị lấy sân bay Long Thành làm trung tâm. Với tầm vóc một sân bay hiện đại tầm quốc tế, Đồng Nai cần tính toán kỹ lưỡng trong thu hút thương mại, logistics...
Thỏi nam châm hút nhà đầu tư
Theo đánh giá của sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện sân bay Long Thành đang trở thành "thỏi nam châm" thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, xét về tổng quan, tăng trưởng công nghiệp vẫn là động lực chính, ngành thương mại, dịch vụ chuyển biến tương đối chậm. Hệ thống phân phối còn bất cập và thiếu cơ sở lưu trú, khách sạn, khu du lịch đẳng cấp.
“Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang thiếu rất nhiều trung tâm thương mại quy mô lớn, chợ, siêu thị hiện đại. Hiện trạng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hệ thống nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng tiêu chuẩn cho phân khúc thị trường khách cao cấp”, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Long Thành được xác định là cực tăng trưởng trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới. UBND tỉnh đã giao địa phương này nghiên cứu định hướng phát triển bao gồm không gian xây dựng đô thị, nông thôn và các khu chức năng theo hướng gắn kết hài hòa với khu vực sân bay Long Thành.
Ông Lộc cho biết, mô hình “thành phố sân bay” hay “đô thị sân bay” là mô hình phát triển gắn liền với những cảng hàng không quốc tế vốn đã rất thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đô thị Long Thành được định hướng là trung tâm thương mại - tài chính chất lượng cao; trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế cấp vùng và quốc gia.
Ý tưởng một “thành phố sân bay Long Thành” cơ bản được xác định như vậy. Lãnh đạo địa phương tỏ rõ quyết tâm chính trị về việc thu hút đầu tư bằng những lời cam kết hấp dẫn. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện bằng cơ chế cụ thể, thông thoáng: “Thủ tục phải nhanh gọn, kết nối hạ tầng phải tốt, hỗ trợ nhà đầu tư những điều kiện để thúc đẩy dự án hiệu quả nhất. Đội ngũ phục vụ thủ tục phải hiệu quả”.
Đô thị không thể “view ống khói”
Đô thị sân bay chắc chắn chịu tác động bởi tiếng ồn. Sân bay Long Thành với quy mô vận chuyển 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa một năm, có thể xem là rất đông đúc, nhộn nhịp và cũng sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Ông Hiroyuki Ishii, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành) cho rằng: “Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động thì lưu lượng người và hàng hóa đổ về tỉnh Đồng Nai rất nhiều. Điều này kéo theo nhu cầu về hậu cần, giao thông vận tải và hạ tầng công nghiệp xung quanh”.
Thêm vào đó, như quy hoạch, khu vực “thành phố sân bay Long Thành” còn có nhiều khu công nghiệp liền kề. Nếu trở thành đô thị, người dân tại đây có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khói bụi, ô nhiễm không khí. Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đô thị Amata Biên Hòa (thuộc tập đoàn làm chủ Khu công nghiệp Amata Long Thành) nhận định, một sân bay tầm quốc tế không thể ở cạnh khu công nghiệp lạc hậu, khí thải ô nhiễm.
“Amata Long Thành đã cam kết với tỉnh Đồng Nai hướng tới thu hút nhà đầu tư công nghệ cao, sử dụng ít lao động, tự động hóa nhiều và thân thiện với môi trường. Định hướng chung là xây dựng Khu công nghiệp Long Thành trở thành khu công nghiệp sinh thái”, ông Surakij Kiatthanakorn cho biết thêm.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tại Việt Nam, cho tới nay chưa hề có một quy hoạch đô thị sân bay bài bản. Lý do là phần lớn chưa hiểu đô thị sân bay là gì. Khi nói quy hoạch đô thị sân bay thì phải tư duy cùng lúc quy hoạch sân bay và quy hoạch khu đô thị xung quanh. Nguy cơ các tập đoàn, doanh nghiệp “giành đất” làm dự án địa ốc thì không thể xem là đô thị sân bay, sau này đền bù, giải tỏa rất khó.
Do đó, theo ông Ngô Viết Nam Sơn, “thành phố sân bay Long Thành” cần gắn với sinh thái, gắn với sông Đồng Nai và các cảnh quan xanh lân cận như hồ Trị An: “Phía từ Nhơn Trạch trở xuống ra cửa biển sẽ dành cho công nghiệp, tất nhiên sẽ kiểm tra mức độ xả thải nhưng có kiểm tra đi nữa thì cũng là nguồn xả thải, mình chấp nhận ô nhiễm một phần. Nhưng từ phía Nhơn Trạch đi lên thì hoàn toàn xanh và sạch, sẽ là điểm thu hút hàng đầu”.
Đồng Nai có thể lấy kinh nghiệm từ một dự án đô thị sát vách là Khu đô thị mới Nhơn Trạch được xây dựng hoành tráng nhưng lại bỏ hoang không người ở. Nếu không tính toán thấu đáo, cẩn thận thì nguy cơ người dân "thành phố sân bay Long Thành" sống chung với ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí.