Thành phố sáng tạo - Nơi ươm mầm công nghiệp văn hóa

Công nghiệp văn hóa có thể mang lại những giá trị nhiều tỷ đô la mỗi năm nếu như chúng ta đi đúng hướng. Nhìn từ bài học của các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay gần đây là Thái Lan thì chúng ta đều thấy sức mạnh của công nghiệp văn hóa lớn như thế nào.

Định hướng để phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta cũng đã và đang dần được nhìn nhận và định hình rõ ràng, trong đó không thể không nhắc đến mạng lưới những thành phố sáng tạo.

Đây là không gian triển lãm “Báu vật Hoàng Cung” đang diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội. Với việc áp dụng công nghệ trình chiếu mapping, những du khách tham quan triển lãm có thể tận hưởng một không gian trưng bày hoàn toàn mới, sinh động và bắt mắt hơn.

Ông PHẠM TRUNG HƯNG - Giám đốc Công ty TNHH CMYK Việt Nam: “Đây là một nỗ lực làm mới các cái trưng bày, tất cả các hiện vật ở đây đã từng được trưng bày, chỉ có một số hiện vật được đưa ra mới. Công nghệ 3D mapping được sử dụng ở đây để tìm cách kể các câu chuyện, đặt các hiện vật vào trong các bối cảnh để người xem người ta dễ dàng hiểu hơn về các hiện vật lịch sử."

Không gian triển lãm tại Hoàng Thành Thăng Long có thể coi là một trong những ví dụ điển hình cho sự sáng tạo trên chất liệu văn hóa có sẵn mà Thành phố Hà Nội đang và sẽ định hướng trong thời gian tới, để thực hiện những cam kết khi trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco năm 2019.

Ông ĐỖ ĐÌNH HỒNG - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hà Nội: “Sau này chúng tôi thiết kế trưng bày thì chỉ có mỗi cái đĩa của thời nhà Lý thôi nhưng nếu chúng tôi sử dụng công nghệ mapping thì chúng tôi có thể đưa tất cả các anh các chị có thể hình dung ra được nguyên liệu để thành cái đĩa đó và tất cả các họa tiết hoa văn. Ví dụ như một cái đĩa ngự dụng của triều Lý thì sử dụng như thế nào, nền văn hóa nó được truyền tải ra sao. Thì tất cả các lĩnh vực đó đều đòi hỏi thiết kế sáng tạo".

Chia sẻ tại hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016 - 2021" vừa diễn ra, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh, Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến với cả một kho tàng chất liệu văn hóa phong phú, thế nhưng để biến những chất liệu ấy trở thành cấu phần của một nền công nghiệp, mang lại giá trị kinh tế thì cần phải có sự sáng tạo. Điều đáng mừng là kể từ sau khi trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco, Hà Nội đã đạt được một số thành công nhất định như việc mở rộng không gian phố đi bộ với nhiều hoạt động mang tính truyền thống kết hợp sự sáng tạo, nhiều không gian sáng tạo được mở cửa, nhiều hoạt động nghệ thuật sáng tạo được dàn dựng, khiến diện mạo của Thủ đô có nhiều thay đổi, và trở thành động lực cho các thành phố khác.

Bà NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: “Nếu một thành phố mà đưa vào một mạng lưới với những khuôn khổ chung như vậy thì sẽ tạo ra sự phát triển của bản thân thành phố đó nhưng lại có tính kết nối và tạo động lực cho các thành phố khác. Công nghiệp văn hóa tập trung hầu hết ở các đô thị, nếu Việt Nam chúng ta đề ra chiến lược là 3 trung tâm Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh thì ngày hôm nay đã có 7 thành phố có sự tìm hiểu và mong muốn trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa sáng tạo của thế giới. Đấy là một câu chuyện rất là đáng mừng”.

Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ là chính sách chung của tất cả các tỉnh thành, thế nhưng chúng ta không thể phát triển theo kiểu dàn trải mà cần phải có sự đầu tư tập trung, bài bản. Mỗi một thành phố trong mạng lưới các thành phố sáng tạo sẽ có những cách làm riêng để đẩy mạnh công nghiệp văn hóa của địa phương mình, nhưng sự kết nối của những hạt nhân đó sẽ tạo thành sức mạnh tổng thể đưa những giá trị văn hóa của đất nước vươn xa hơn và lan tỏa mạnh mẽ hơn, khẳng định thương hiệu văn hóa Việt Nam đối với bạn về thế giới.

Thực hiện : Anh Thư Anh Tuấn Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thanh-pho-sang-tao-noi-uom-mam-cong-nghiep-van-hoa