Thành phố số - xu hướng không thể đảo ngược
TP.HCM cần trở thành nơi tiên phong triển khai mô hình 'thành phố số', tạo động lực quan trọng để nâng cao đời sống của người dân, tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ đề hành động của TP.HCM năm 2024 tập trung vào hai nội dung quan trọng: Chuyển đổi số (CĐS) và Nghị quyết 98 của Quốc hội để TP.HCM có thể đột phá. Đây là sự tiếp nối, kế thừa sau một năm 2023 TP đã nỗ lực theo đuổi mục tiêu “nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.
“Thành phố số” là “chìa khóa”
Trong bản kiến nghị vào tháng 9-2023, Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 có đề nghị nhiều nội dung mà TP.HCM cần triển khai, như nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ công chức, viên chức; hoàn thiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; triển khai Điều 8 của nghị quyết về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quy định tại khoản 10 Điều 5 của nghị quyết; khởi động lại đề án Trung tâm Tài chính quốc tế; hay các vấn đề liên quan kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Lãnh đạo TP.HCM nhiều lần khẳng định: TP.HCM cần một nghị quyết để đột phá, nâng tầm TP tương xứng với tiềm năng; hiện tại nghị quyết đã có, phải bắt tay vào thực hiện hiệu quả, đúng với tinh thần nghị quyết đã đề ra. Sau khoảng năm tháng triển khai Nghị quyết 98, có thể thấy TP đã “bắt tay” vào cuộc rất nhanh nhờ sự chuẩn bị rất kỹ từ giai đoạn thai nghén, xây dựng nghị quyết.
Thế nhưng, để đoàn tàu Nghị quyết 98 thực sự vận hành hiệu quả thì đoàn tàu này cần được đặt trong một hệ sinh thái phù hợp. Có lẽ vì điều đó mà HĐND TP.HCM thống nhất chủ đề năm 2024 là “bộ đôi” hoàn hảo: CĐS và Nghị quyết 98. Nói một cách dễ hiểu, CĐS để cụ thể hóa Nghị quyết 98 và cũng chính Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ chế đột phá, vượt trội để hoạt động CĐS của toàn TP được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đó, hệ sinh thái mà TP.HCM hướng tới không gì phù hợp hơn là “thành phố số” (digital city). Đây là khái niệm không mới trên thế giới. Ví dụ, tháng 11 năm ngoái, Trung tâm Chính phủ số (Center for Digital Government - CDG) của Mỹ công bố những “TP số” hàng đầu của quốc gia này sau đợt khảo sát thường niên lần thứ 23. Một thuật ngữ khác, cũng có những tương đồng với “thành phố số” chính là “TP thông minh” (smart city). Những địa chỉ quen thuộc hàng đầu thế giới về tính “thông minh” như Singapore, Copenhagen (Đan Mạch), London (Anh), New York (Mỹ), Amsterdam (Hà Lan)…
Cũng như nhiều TP khác trên thế giới, TP.HCM đang theo dòng xu hướng toàn cầu về kỹ thuật số, như người tiêu dùng đang hướng tới số hóa, giao dịch chủ yếu thông qua thương mại điện tử và ngân hàng trực tuyến, dữ liệu đang dần trở thành những loại hàng hóa quan trọng, nền kinh tế số có tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế và sự năng động. Cùng với kinh nghiệm có thể tham khảo từ các nước, nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước dần tăng, đặc biệt là quyết tâm chính trị lớn (trong đó nổi bật là Nghị quyết 98), “thành phố số” sẽ là chìa khóa để TP.HCM phát triển đúng trọng tâm, đột phá và bền vững.
Bám sát nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp
Một khái niệm do tổ chức GSM đưa ra về “thành phố số” nhấn mạnh vào năm thành phần chính sẽ hỗ trợ hiện thực hóa khát vọng “thành phố số”. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số: Là yếu tố cốt lõi để xây dựng “thành phố số”, trong đó các dịch vụ và ứng dụng kỹ thuật số được tạo ra, được lưu trữ, phân phối và tiêu thụ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cơ bản ở một “thành phố số” có hiệu suất cao mạng viễn thông, đặc biệt 5G, cho phép một loạt số hóa sáng tạo giải pháp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thứ hai, đổi mới: Củng cố sự sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số mới và ứng dụng trong nền kinh tế số. Đối với các nước tiến tới trở thành các quốc gia kỹ thuật số, khả năng tích hợp các công nghệ mới nổi có thể kích hoạt các giải pháp và trường hợp sử dụng mới cho kinh tế sẽ rất quan trọng.
Thứ ba, quản trị dữ liệu: Là nền kinh tế số mở rộng và công dân trở nên năng động hơn. Vì vậy, chính quyền các cấp cần phải nâng cao tiêu chuẩn quản trị, với những nỗ lực để minh bạch hơn, với sự tham gia của các bên và có trách nhiệm hơn.
Thứ tư, bảo mật: Sự gia tăng số hóa phải đi đôi với an toàn và bảo mật. Trình độ cao các biện pháp an ninh mạng sẽ giúp mọi người tham gia trong các tương tác xã hội và kinh doanh một cách an toàn, cho phép các doanh nghiệp cung cấp giá trị với chi phí hoạt động thấp hơn và hoạt động trong một môi trường kỹ thuật số an toàn.
Thứ năm, con người: Hiện thực hóa tham vọng “thành phố số” phụ thuộc rất nhiều vào khả năng và sự sẵn sàng của người dân sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Điều này thường xuyên đòi hỏi một sự thay đổi trong văn hóa và cá nhân hành vi, cũng như mức độ kỹ thuật số phù hợp với trình độ học vấn và kỹ năng để có thể định hướng trong quá trình phát triển thế giới kỹ thuật số.
(*) Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
Ba nguyên tắc khi chuyển đổi số
TP.HCM CĐS đồng nghĩa với việc cần nỗ lực tích hợp công nghệ và các dịch vụ kỹ thuật số vào tất cả lĩnh vực dân sinh của TP. Đó cũng là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong tương lai.
Trong quá trình chuyển đổi “TP số” cần đảm bảo ba nguyên tắc quan trọng. Một là tính toàn diện, tức là đảm bảo hoạt động CĐS sẽ không ai bị bỏ lại phía sau. Hai là đảm bảo đạo đức, có nghĩa rằng dữ liệu và các công cụ kỹ thuật số được sử dụng một cách phù hợp với quy định pháp luật và chuẩn mực xã hội. Cuối cùng, quá trình CĐS phải tạo ra tính tin cậy cho môi trường sống và kinh doanh, điều đó có nghĩa là TP phải đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số không làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư và an ninh mạng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thanh-pho-so-xu-huong-khong-the-dao-nguoc-post769642.html