Thành phố Thanh Hóa sẽ có 33 phường và 14 xã sau sáp nhập

Vừa qua, thành phố Thanh Hóa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 1238/NQQ-BTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2025.

Một góc thành phố Thanh Hóa.

Một góc thành phố Thanh Hóa.

Theo Nghị quyết trên, tỉnh Thanh Hóa sẽ sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Đông Sơn gồm 82,87km2 với quy mô dân số 101.272 nhân khẩu về thành phố Thanh Hóa. Sau sáp nhập, thành phố Thanh Hóa sẽ có thêm 4 phường gồm: phường Rừng Thông, phường Đông Thịnh, phường Hoằng Quang, phường Hoằng Đại và nhập phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn (trong đó, huyện Đông Sơn cũ sẽ có 2 phường là phường Rừng Thông và phường Đông Thịnh).

Sau sắp xếp, thành phố Thanh Hóa sẽ có tổng số 47 đơn vị hành chính gồm 33 phường và 14 xã.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác sáp nhập huyện Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch 1582/KH-UBND. Theo đó thành phố và các phường, xã mới thành lập sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2025. Sau ngày này, mọi hoạt động của các xã, phường sẽ đảm bảo ổn định, hiệu quả, không ảnh hưởng đến mọi nhu cầu giao dịch của nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân tại địa bàn.

Tại Hội nghị, ông Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy và ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh một số nội dung công việc cần thực hiện nhanh như: Hoàn thành công tác bàn giao, tiếp nhận hiện trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số, toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan của các cơ quan, phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện Đông Sơn về thành phố Thanh Hóa. Các cơ quan tham mưu của thành phố và huyện Đông Sơn phải chủ động phối hợp để chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho công tác sáp nhập. Trong quá trình thực hiện, hai địa phương cần thường xuyên trao đổi để phối hợp điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh, đảm bảo thời gian và tuân thủ đúng quy trình, trình tự sắp xếp.

Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao thực hiện hướng dẫn về thủ tục, quy định về tổ chức bộ máy… để hai địa phương thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí nhân sự các đơn vị, phòng, ban, các tổ chức chính trị, xã hội, hội đặc thù. Tạo sự thống nhất, ổn định sau sắp xếp để có thể đi vào hoạt động hiệu quả ngay sau sáp nhập.

Sau sáp nhập, thành phố Thanh Hóa sẽ vẫn mang tên cũ và có diện tích tự nhiên 228,2km2, quy mô dân số 615.106 người. Sau sáp nhập, thành phố Thanh Hóa mới sẽ loại bỏ được những bất cập, hạn chế về không gian đô thị, diện tích tự nhiên, quy mô dân số, lực lượng lao động, sự phát triển mất cân đối, thiếu đồng bộ giữa nội thành và ngoại thành… Qua đó, tạo điều kiện cho thành phố phát triển, xứng tầm đô thị trung tâm của một tỉnh lớn, có dân số đông, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa cũng như của vùng Bắc Trung bộ.

Đào Nguyên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-thanh-hoa-se-co-33-phuong-va-14-xa-sau-sap-nhap-389335.html