'Thành phố thép' hôm nay

Năm 1962, T.P Thái Nguyên được thành lập. Từ thị xã nhỏ bé lên đô thị loại 3, lúc đó T.P Thái Nguyên chỉ vẻn vẹn có 6 vạn dân, với 4 khu phố, 2 thị trấn và 6 xã. Ngày nay, diện tích T.P Thái Nguyên đã được mở rộng gấp nhiều lần (223 km2), với 32 xã, phường và đang bứt phá vươn lên mạnh mẽ về mọi mặt.

Trung tâm T.P Thái Nguyên hôm nay.

Trung tâm T.P Thái Nguyên hôm nay.

Đã bước sang tuổi 89, nhưng ông Lê Văn Lương, sinh sống tại phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên còn khá minh mẫn. Là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất T.P Thái Nguyên, được chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, sự đổi thay của quê hương, khi chúng tôi gợi chuyện, ông bồi hồi nhớ lại: “Khi thành phố mới thành lập, chỉ có vài khu phố nhỏ với những ngôi nhà xập xệ, xung quanh những khu phố là ruộng, bãi, xình lầy, cỏ dại mọc um tùm.

Tối đến, chỉ có ánh đèn dầu leo lét của mấy bà bán hàng nước ban đêm. Giờ thì đô thị sầm uất, các khu phố, khu đô thị mọc lên san sát. Ban đêm, ánh đèn điện, đèn trang trí rực sáng các tuyến phố - Tôi luôn mang trong mình niềm tự hào là người con của của thành phố thép gang.”

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, T.P Thái Nguyên là một trong những trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ. Thành phố non trẻ thành lập được vài năm phải oằn mình chống trọi với những làn bon đạn của kẻ thù. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ T.P Thái Nguyên (giai đoạn 1930-1975) có ghi: Chỉ trong khoảng thời gian 12 ngày đêm (từ 17 đến 29/12/1972), quân và dân thành phố đã “nghênh đón” 1.716 lần máy bay thả bom, trong đó có 42 lần là máy bay B52, với 115 trận đánh, gần 3.000 quả bom và đạn tên lửa dội xuống đất thành phố.

Vậy nhưng, quân và dân T.P Thái Nguyên không chịu khuất phục mà luôn thể hiện “chất thép” ngời sáng, ý chí kiên cường, quật khởi. Vừa tích cực thi đua lao động sản xuất, vừa tăng cường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trong những năm (từ 1965-1968) đã có 5.811 thanh niên của thành phố xung phong lên đường nhập ngũ, trong đó nhiều người hy sinh.

Hòa bình lập lại hoàn toàn năm 1975, cũng như những địa phương khác trong cả nước, T.P Thái Nguyên bắt tay thực hiện công cuộc đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ngày nay, T.P Thái Nguyên được biết đến là đô thị loại I, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp; trung tâm thương mại, tài chính; các cơ sở y tế uy tín…

Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên chia sẻ: Trước đây, T.P Thái Nguyên chỉ được biết đến là “cái nôi của ngành Luyện kim miền Bắc” còn nay, thành phố được biết đến là đô thị năng động, đa ngành nghề, trong đó thương mại - dịch vụ giữ vai trò chủ đạo (chiếm 53,1%); công nghiệp - xây dựng chiếm 43,74%; nông nghiệp chiếm 3,16%. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt trên 102 triệu đồng. Thu ngân sách địa phương những năm gần đây đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Kinh tế phát triển, diện mạo T.P Thái Nguyên ngày càng văn minh, hiện đại, với hàng trăm khu dân cư, khu đô thị, khu phố mọc lên; các tuyến phố xanh, sạch, đẹp. Hàng năm, thành phố chủ trương thu hút mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Chỉ tính trong giai đoạn 2015-2020, địa phương đã thu hút hơn 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, nhà ở, khu đô thị, công trình phục vụ an sinh xã hội...

Cũng trong giai đoạn này, thành phố đã xây dựng 412 công trình, dự án về hạ tầng kinh tế, xã hội. Những công trình xây dựng có nguồn vốn lớn có thể kể đến: Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - T.P Thái Nguyên và Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực T.P Thái Nguyên (có tổng số vốn đầu tư gần 200 triệu USD); đường Bắc Sơn kéo dài kết nối với Khu du lịch hồ Núi Cốc đang được quy hoạch cấp Quốc gia; Khu đô thị Danko City Thái Nguyên; Khu tổ hợp thương mại, trường học và nhà ở Gia Sàng; Tòa nhà Trung tâm Tài chính Thương mại FCC cùng hàng loạt các khu đô thị, khu dân cư... tất cả đang góp phần tạo cho T.P Thái Nguyên có một diện mạo đô thị sầm uất, khang trang.

Bên cạnh thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án, công trình hiện đại, thành phố cũng luôn quan tâm, chú trọng bảo tồn, phát huy truyền thống cách mạng. Những công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ thường xuyên được tu bổ, xây dựng để tri ân những Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc.

Đặc biệt Khu di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng, nơi thờ 60 thanh niên xung phong ngã xuống tại mảnh đất này được mở rộng, tôn tạo bằng tiền xã hội hóa là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thu hút hàng chục nghìn du khách đến thăm viếng mỗi năm.

Có thể thấy, T.P Thái Nguyên Anh hùng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo, tư duy trong lao động. Ở mỗi giai đoạn lịch sử đều luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên. Ngày nay, thành phố đã phát triển về mọi mặt, xứng tầm là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của tỉnh Thái Nguyên cũng như vùng trung du miền núi Bắc bộ và đang tiếp tục có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

-Ông Mai Đông Kinh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thái Nguyên, người tâm huyết nghiên cứu về lịch sử Đảng bộ Thành phố cho rằng: Để T.P Thái Nguyên có được những thành tựu đổi mới nổi bật như ngày hôm nay, thì từng người dân, cán bộ, đảng viên qua các thế hệ, thời kỳ đều phải luôn nỗ lực, cố gắng và làm việc trên tinh thần cống hiến, lạc quan và tâm huyết”.

Sông Hương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/%E2%80%9Cthanh-pho-thep%E2%80%9D-hom-nay-284694-97.html