Thành phố thông minh có sức hút lớn, như 'thỏi nam châm cho sản xuất'
Kinhtedothi – Tham luận tại Hội thảo 'Thành phố thông minh- số hóa' tổ chức ngày 14/4, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, Thành phố thông minh có sức cuốn hút lớn. Sức hút đó giống như 'Thỏi nam châm cho sản xuất'.
Chiều 14/4, trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12, đã diễn ra phiên Hội thảo chuyên đề “Thành phố thông minh- Số hóa”.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, sức hút của Thành phố thông minh đến từ việc chúng ta đang hiện thực hóa những giấc mơ tưởng chừng bất khả thi về một cuộc sống mà con người được phục vụ tối đa bởi công nghệ. “Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển theo hướng Thành phố thông minh làm động lực phát triển bền vững và toàn diện”- ông Hùng nói.
Lấy người dân làm trung tâm- quan điểm nhất quán trong xây dựng Hà Nội thông minh
Theo các đác đại biểu tham gia Hội thảo, tại Việt Nam, Trung ương đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng để làm nền tảng phát triển, xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số, với mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới”.
Tham luận với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh và số hóa tại thành phố Hà Nội”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, thành phố thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, lối sống thông minh, cộng đồng thông minh, và nhiều yếu tố thông minh khác. Ở đó, công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông (Wifi, 3G/4G/5G), điện thoại thông minh, Big Data và hệ thống phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo) được ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý và phát triển thành phố trở lên hiệu quả hơn, thông minh hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. “Xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm là quan điểm nhất quán của Chính quyền thành phố trong quá trình triển khai xây dựng Hà Nội thông minh”- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Quan điểm của Hà Nội là phát triển Chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng Thành phố thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan Chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần cải thiện: môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn, du lịch, quản lý đô thị, ….
Cùng quan điểm, ông Hồ Kỳ Minh cho rằng, đây là hành trình liên tục, lâu dài, đi từ thấp đến cao, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển. Trong quá trình đó cần sự tham gia, phối hợp đồng bộ, tổng thể từ các bên liên quan. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam: nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là đột phá.
Do đó, hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến trong chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Tại hội thảo, các đơn vị đã chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số tại địa phương của mình. Cụ thể, ông Denis Thuriot, Chủ tịch Vùng Nevers chia sẻ, thành phố Nevers có khoảng 35 nghìn dân. Đây là Thành phố tầm trung của Pháp và đã có những ứng dụng chuyển đổi số mang lại tiện ích hiệu quả cho người dân. Nhận ra số hóa sẽ góp phần lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, khi bắt đầu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền địa phương đã đặt ra các câu hỏi là sẽ hướng vào đối tượng nào và mục tiêu là gì.
Thành phố xác định đối tượng là toàn bộ người dân, kể cả những người yếu thế. Thành phố thông minh là thành phố không để ai bị bỏ lại phía sau, người dân được hưởng các tiện ích một cách dễ dàng. Đồng thời, thỏa mãn các điều kiện việc đi lại được thông suốt, năng động về kinh tế; cân bằng đáp ứng nhu cầu của người dân; có hoạt động văn hóa, sống động. Khi triển khai thành phố thông minh, xác định yếu tố đầu - cuối không phải là thiết bị, máy tính mà chính là người dân sống trong đô thị đó.
Nevers cũng đã thử nhiệm giao thông thông minh; triển khai thí điểm xe tự động, kết hợp giao thông hỗn hợp; làm việc với tập đoàn hàng đầu của Pháp để ứng dụng đổi mới công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong cung cấp nước. Ngoài ra, chuyển đổi số, sáng tạo cũng được áp dụng trong giáo dục, khai thác tài nguyên.
"Chính sách của Thành phố là kêu gọi triển khai trí thức mở để nhiều doanh nghiệp có thể tham gia; thực hiện liên minh các thành phố tầm trung. Việt Nam có thể học hỏi và hiện nay trí thức rất sẵn trên Internet chúng ta phải đối mặt như thế nào và sử dụng công cụ số đó như thế nào,” Chủ tịch Vùng Nevers cho hay.
Hà Nội đạt kết quả tích cực trong triển khai xây dựng Thành phố thông minh
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Thành phố đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: giáo dục, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, thuế,.... được thành phố giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.
Từ kết quả đã đạt được và định hướng xây dựng thành phố Hà Nội thông minh bền vững, Thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì xây dựng Đề án Giao thông thông minh thành phố Hà Nội và giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Đề án thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án sẽ đề xuất một khung kiến trúc công nghệ thông tin - truyền thông mang định hướng mở cho thành phố thông minh của thành phố Hà Nội làm nền tảng cho sự phát triển các giải pháp về thành phố thông minh; đề xuất mô hình kiến trúc chuyển đổi số của thành phố Hà Nội; mô hình trung tâm điều hành IOC Thành phố thông minh Hà Nội và bộ chỉ số KPI Thành phố thông minh Hà Nội.
Trong quy hoạch phát triển thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội đã đặt ra tầm nhìn “Xây dựng và Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố Xanh – Văn hiến – Văn Minh – Hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững, Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển năng động và hiệu quả, là biểu tượng cho cả nước Việt Nam, đóng vai trò trung tâm hành chính- chính trị Quốc gia, trung tâm lớn của Quốc gia về văn hóa – khoa học – giáo dục – kinh tế, một trung tâm du lịch và giao dịch Quốc tế có tầm khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống tốt nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi”.
Ngày 30/12/2022 Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dự trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng nền móng cơ sở hạ tầng cho Thành phố thông minh với Trung tâm giám sát và điều hành tập trung kết nối đến hạ tầng viễn thông, IoT, tiếp nhận và xử lý các luồng thông tin các lĩnh vực đời sống xã hội của Thành phố, hình thành hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu lớn, tích hợp, khai thác và cung cấp thông tin trực quan hỗ trợ các cấp Lãnh đạo ra quyết định kịp thời, chính xác.
Hình thành khu chuyển giao khoa học công nghệ tập trung và vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp để tham gia tích cực vào quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh.
Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho phát triển Thành phố thông minh. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá để nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của thành phố thông minh và tích cực tham gia vào các quá trình xây dựng, vận hành Thành phố thông minh.