Thành phố vì hòa bình trở thành tâm điểm của thế giới, nơi đối thoại và hòa giải xung đột
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai đang được cả thế giới dõi theo với sự quan tâm sâu sắc sắp diễn ra tại Thủ đô Hà Nội - Thành phố được UNESCO vinh danh là 'Thành phố vì hòa bình'.
Hơn 3.000 phóng viên quốc tế từ khắp các nơi trên thế giới đang đổ về Hà Nội để đưa tin Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, theo thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-2 tới Hà Nội. Đội ngũ phóng viên quốc tế đông đảo hơn cả lượng phóng viên tham dự các hội nghị quốc tế lớn nhất trên toàn cầu như Hội nghị Thượng đỉnh APEC; Hội nghị Thượng đỉnh G-20… đã phản ánh mức độ thu hút truyền thông thế giới, qua đó phản ánh sự quan tâm của dư luận toàn cầu, đối với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.
Bán đảo Triều Tiên hơn 7 thập niên băng giá, căng thẳng
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, nơi mà mỗi cam kết và thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un không chỉ mang tính chất quyết định tới một trong những mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia về danh nghĩa còn trong tình trạng chiến tranh này, mà còn cả với hòa bình, ổn định và an ninh khu vực Đông Bắc Á cũng như thế giới. Bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á là một trong những “điểm nóng” hiếm hoi trên toàn cầu luôn ở trong tình trạng đối đầu, căng thẳng suốt từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai tới nay.
Một cuộc chiến tranh quy mô lớn đã diễn ra trên bán đảo Triều Tiên với sự tham chiến trực tiếp của hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là cuộc chiến duy nhất sau chiến tranh thế giới lần thứ hai mà hai cường quốc hàng đầu thế giới cùng trực tiếp tham chiến ở hai chiến tuyến đối đầu với nhau.
Đối đầu và thù địch giữa các bên trên Bản đảo Triều Tiên là một trong những cuộc đối đầu xung khắc và nguy hiểm nhất trên thế giới khi mà các bên luôn ở trong tình trạng chiến tranh căng thẳng với không ít lần bị đẩy đến bờ vực bùng nổ suốt hơn 70 năm qua. Sự nghi kỵ và thù địch hơn 7 thập niên khiến cho mọi nỗ lực hòa giải, đối thoại vừa nhen lên đã rất dễ chìm đắm trong băng giá căng thẳng.
Kỳ vọng đối thoại - hòa giải và hòa bình - phát triển
Đối thoại và hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên chỉ thực sự được “phá băng” khi Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên trong cuộc gặp song phương lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 6-2018 tại Singapore cùng cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo này. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận hầu như “giậm chân tại chỗ” từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên cho thấy mối thù địch và sự nghi kỵ dai dẳng suốt hơn 70 năm không dễ gì hóa giải trong một sớm một chiều.
“Nút thắt” hạt nhân cũng là “điểm nghẽn” quyết định cho tiến trình phi hạt nhân hóa, đối thoại, hòa giải và hòa bình, an ninh trên Bán đảo Triều Tiên giữa các bên thù địch nay như đang chờ được tháo gỡ tại Hà Nội - nơi mà Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên đang cùng đi tới để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai trong 2 ngày 27 và 28-2 tới.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí gặp nhau lần thứ hai sau hơn 8 tháng được trông đợi sẽ tạo bước đột phá, tháo gỡ những bất đồng giữa hai quốc gia về lộ trình thực hiện phi hạt nhân hóa, mở toang cánh cửa đối thoại, hòa giải tiến tới chấm dứt tình trạng chiến tranh, bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác đến với Bán đảo Triều Tiên sẽ mở ra chương mới cho khu vực là “điểm nóng” suốt hơn 7 thập kỷ qua của khu vực và thế giới, mở ra trang lịch sử mới cho những mối quan hệ đối đầu và thù địch ngỡ rằng còn tồn tại chưa biết tới khi nào trong một thế giới hòa bình, hòa nhập và phát triển. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội vì thế chứa đựng xiết bao kỳ vọng, khát khao hòa bình và phát triển của khu vực và toàn thế giới.
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà thành phố Hà Nội được cả Mỹ và Triều Tiên chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, một cuộc đối thoại cấp tối cao mà kết quả của nó có ý nghĩa quyết định tới tiến trình phi hạt nhân hóa và cải thiện quan hệ song phương. Đã có những địa điểm khác được nhắc tới, song không nơi nào thích hợp, mang những ý nghĩa biểu tượng sâu sắc như Thủ đô của Việt Nam.
Hà Nội chứng tỏ sức sống và khát vọng hòa bình
Việt Nam khắc sâu vào tâm khảm của rất nhiều người, nhiều thế hệ trên thế giới như một biểu tượng của hòa bình và hợp tác, biểu tượng của sự vươn mình từ chiến tranh tàn phá tới hòa bình và phát triển. Việt Nam chứng tỏ sức sống và khát vọng hòa bình khi trải qua gần một thế kỷ bị đô hộ, hơn 20 năm chiến tranh xâm lược tàn phá, 20 năm bị bao vây cấm vận cùng 2 cuộc chiến bảo vệ biên giới… song vẫn trỗi dậy trở thành một đất nước có mức thu nhập trung bình, là điểm đến của đầu tư nước ngoài, du khách khắp nơi trên thế giới.
Những thành tựu dựng xây đất nước như những mầm xanh phát triển vươn lên từ mảnh đất đầy đạn bom ấn tượng sâu sắc với thế giới. Từ một quốc gia nghèo sau chiến tranh, Việt Nam trở thành hình mẫu xóa đói giảm nghèo của thế giới, hình mẫu của hợp tác. Từ một quốc gia bị bao vây cấm vận, Việt Nam hiện là nước có quan hệ với hầu khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, Việt Nam trở thành nền kinh tế hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới, giao thương với hầu hết các nền kinh tế toàn cầu.
Thấu hiểu những mất mát, nỗi đau của chiến tranh, xung đột và bạo lực, Việt Nam tham gia có trách nhiệm, tích cực, hiệu quả vào những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên thế giới. Việt Nam đã tham gia Hội đồng Nhân quyền thế giới, thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các hoạt đồng gìn giữ hòa bình.
Việt Nam: Hình ảnh của hòa giải, hợp tác, hội nhập và phát triển
Mối quan hệ Việt Nam - Mỹ được xem là một hình mẫu thể hiện tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Bước ra từ một cuộc chiến tranh mang lại hậu quả vô cùng nặng nề cho cả hai phía, đặc biệt là đất nước Việt Nam bị xâm lược, và gần 20 năm bao vây cấm vận hà khắc, Việt Nam sau bình thường hóa quan hệ đã phát triển quan hệ rất ấn tượng.
Việt Nam và Mỹ nay đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, hợp tác trong tất cả lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, giáo dục, an ninh - quốc phòng và nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh. Tất cả các Tổng thống Mỹ sau khi bình thường hóa quan hệ đều đã thăm chính thức Việt Nam. Việt Nam cũng đã thực hiện các chuyến thăm cấp cao đến Mỹ, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử mang tính biểu tượng của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7-2015.
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ phát triển nhảy vọt, từ mức gần như không đáng kể khi bình thường hóa quan hệ năm 1993 lên tới gần 60 tỷ USD trong năm 2018. Mỹ hiện trở thành đối tác kinh tế lớn bậc nhất của Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ từng chở máy bay đi trút đạn bom xuống lãnh thổ Việt Nam nay trở lại thăm hữu nghị các cảng của Việt Nam được xem là biểu tượng cho sự hòa giải, hướng tới tương lai hợp tác vì hòa bình và an ninh.
Việt Nam phát triển hướng tới hòa bình, ổn định và cường thịnh, là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế là điểm đến của tất cả quốc gia, đối tác vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Đến Việt Nam không thể không đến Hà Nội, một Thủ đô nghìn năm văn hiến, trái tim của cả nước. Nỗ lực vươn lên từ đạn bom chiến tranh, từ nghèo nàn lạc hậu để trở thành thành phố năng động, phát triển và điểm đến của bạn bè khắp năm châu bốn biển, Hà Nội đã được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” cách đây đúng 20 năm.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra ở Hà Nội - “Thành phố vì hòa bình” bởi thế được kỳ vọng mở ra lộ trình hướng quan hệ Mỹ - Triều Tiên cũng như Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á tới hòa giải, đối thoại, hợp tác, phát triển vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Họa sỹ Hồ Trọng Minh: Thời điểm đẹp nhất của lòng người và cảnh sắc thiên nhiên ở Hà Nội
Có thể nói Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội được diễn ra đúng thời điểm đẹp nhất về thiên nhiên cảnh sắc và lòng người trong mùa xuân mới. Đường phố được trang hoàng đẹp đẽ thể hiện sự mến khách của người dân Việt Nam.
Sự kiện diễn ra là cơ hội quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế và mở ra những cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa và giao lưu hội nhập. Hà Nội là nơi lắng hồn sông núi, là nơi hội tụ của văn hóa Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử.
Với thông điệp “Hà Nội-Thành phố vì hòa bình” đã được thực hiện khá tốt trong thời gian vừa qua, cá nhân tôi nghĩ nên đề cập thêm thông điệp “Hà Nội niềm tin và hy vọng” trên truyền thông sẽ thú vị hơn. Thực lòng, tôi mong những lá cờ lễ hội xuất hiện nhiều hơn ở những nơi phù hợp, như biểu hiện của văn hóa và lịch sử trong sự kiện này.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên: Thông điệp rất rõ ràng về một điểm đến an toàn, thân thiện
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội là sự kiện quốc tế được quan tâm hàng đầu trong những ngày này. Hà Nội đã trở thành tâm điểm của cả thế giới. Sự kiện này cũng thể hiện vị thế và uy tín ngày càng được nâng cao của Việt Nam. Cá nhân tôi cảm thấy rất tự hào và hân hoan đón đợi sự kiện chỉ ít ngày nữa sẽ diễn ra. Những ngày này, đi trên đường phố Hà Nội, tôi cảm nhận được rất rõ không khí khẩn trương, tích cực của Hà Nội chào đón sự kiện.
Đường phố được trang hoàng, phố xá như khoác lên mình những bộ áo mới. Thủ đô đang truyền đi những thông điệp rất rõ ràng về một điểm đến an toàn, thân thiện với du khách. Tôi hy vọng, qua sự kiện này sẽ thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển, kinh tế đất nước đi lên và Hà Nội xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.