Thành phố Vĩnh Yên bứt phá trong chuyển đổi số

Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thành phố Vĩnh Yên cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cần phải có bước đi đột phá, sáng tạo. Trong đó, đột phá về chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đưa thành phố này vươn mình mạnh mẽ…

111 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập

Việc thay đổi nhận thức là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chuyển đổi số. Xác định được điều đó, UBND thành phố Vĩnh Yên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân về chuyển đổi số và coi đây là thời cơ, vận hội. Từ đó, ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị, cộng đồng và xã hội. UBND thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số, nhất là áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng tỷ lệ văn bản điện tử, họp trực tuyến, trả lời phản ánh kiến nghị của công dân trên thiết bị di động. Công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số được tăng cường; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số được quan tâm, đầu tư nâng cấp…

 Lực lượng đoàn viên thanh niên thành phố Vĩnh Yên hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử. Ảnh: Phùng Hải

Lực lượng đoàn viên thanh niên thành phố Vĩnh Yên hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử. Ảnh: Phùng Hải

Khi tư tưởng và nhận thức đã thông, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã hình thành, mang lại hiệu quả đáng mừng. Tại xã Thanh Trù, hiện có 7/7 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn đã được thành lập, đào tạo về chuyển đổi số qua nền tảng OneTouch. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biển về Bộ chỉ số chuyển đổi số được thực hiện thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của xã, nhóm Zalo của các thôn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số. Hiện, 100% công chức, viên chức của xã được gắn định danh số trong xử lý công việc (email công vụ, chữ ký số đối với cán bộ có thẩm quyền ký ban hành văn bản...) và sử dụng thành thạo phần mềm quản lý và điều hành văn bản trên môi trường mạng; 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Nhìn từ Thanh Trù có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, làn gió chuyển đổi số đã phủ khắp mọi mặt đời sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố Vĩnh Yên. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật của thành phố cơ bản bảo đảm các điều kiện thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung. Các phòng, ban, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý công việc. 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính và sử dụng thành thạo các ứng dụng phần mềm phục vụ công tác chuyên môn. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ văn bản đến và đi của thành phố được xử lý trên phần mềm quản lý văn bản, được ký số phát hành văn bản điện tử đạt 100%; 9/9 xã, phường của thành phố đã xây dựng thành công mô hình hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, đã có 111 tổ công nghệ số cộng đồng và tổ công tác Đề án 06 với hơn 1.100 thành viên ở 9 xã, phường đã phát huy vai trò quan trọng trong tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích, các nội dung, nhiệm vụ của chuyển đổi số, hướng dẫn người dân cài đặt, các ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến…

Tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số

Chia sẻ về quyết tâm của địa phương trong công tác chuyển đổi số, Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên Nguyễn Việt Phương cho biết: Hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số để bứt phá toàn diện, Vĩnh Yên sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số; tập trung hoàn thiện chính quyền điện tử và chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các cơ quan chính quyền các cấp, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về sử dụng dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại để người dân hiểu, áp dụng; tập trung phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; triển khai các nhiệm vụ về dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

 Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên hướng dẫn chủ hộ kinh doanh sử dụng chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh. Ảnh: Thu Thủy

Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên hướng dẫn chủ hộ kinh doanh sử dụng chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh. Ảnh: Thu Thủy

Chưa dừng lại ở đó, thành phố tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin phục vụ chuyển đổi số; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; duy trì, nâng cấp, vận hành hệ thống mạng LAN, kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng, kết nối internet tốc độ cao tại các phòng, ban, đơn, vị, UBND các xã, phường, bảo đảm 100% cán bộ công chức làm công tác chuyên môn được trang bị máy tính, có sử dụng điện thoại thông minh…

Đặc biệt, thành phố Vĩnh Yên cũng chú trọng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số; rà soát, đầu tư bổ sung, thay thế trang thiết bị hỏng, xuống cấp phục vụ công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; đồng thời tích cực trong chỉ đạo đơn vị chủ quản các hệ thống thông tin triển khai phương án an toàn thông tin phải phù hợp với cấp độ của từng hệ thống thông tin. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường thực hiện hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý văn bản. Tiếp tục triển khai nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia, kết nối, liên thông với toàn bộ cơ quan thuế, cho phép thanh toán hóa đơn điện tử, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch điện tử, mở rộng các kênh giao tiếp, hỗ trợ người nộp thuế tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, giao thông vận tải, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm đến gần hơn những đối tượng chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như: thanh toán di động, cho vay tiêu dùng, đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng đến tất cả các thôn, tổ dân phố, khu vực dân sinh; tăng tỷ lệ người dùng internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn...

Hiếu Phạm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thanh-pho-vinh-yen-but-pha-trong-chuyen-doi-so-post398131.html