Thành phố Vĩnh Yên nỗ lực bảo vệ các ao, hồ, đầm

Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên có khá nhiều ao, hồ, đầm, đây được xem là “lá phổi xanh” của thành phố. Thế nhưng, những năm gần đây, phần lớn các ao, hồ, đầm trên địa bàn thành phố đều có dấu hiệu ô nhiễm, thậm chí bị xâm lấn.

Để giảm thiểu ô nhiễm ở đầm Vậy, phường Đống Đa, UBND thành phố Vĩnh Yên đã xử lý môi trường nước trong đầm bằng chế phẩm vi sinh và kết bè thủy trúc

Để giảm thiểu ô nhiễm ở đầm Vậy, phường Đống Đa, UBND thành phố Vĩnh Yên đã xử lý môi trường nước trong đầm bằng chế phẩm vi sinh và kết bè thủy trúc

Đầm Vậy, phường Đống Đa có diện tích hơn 7 ha. Đầm đã được kè, xây dựng lan can và đường gom, tạo cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn cho người dân sống xung quanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đầm Vậy lại có dấu hiệu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có những thời điểm, nguồn nước trong đầm đen ngòm, bốc mùi hôi thối khiến cá chết nổi hàng loạt, “tra tấn” khứu giác của người dân sống xung quanh.

Ông Lý Ngọc Cường - một người dân sống gần đầm Vậy cho biết: "Đầu năm 2021, cá ở trong đầm tự nhiên nổi lên chết hàng loạt. Người dân chúng tôi đã rất khổ sở khi phải sống chung với mùi hôi thối do xác cá phân hủy từ dưới đầm bốc lên. Sau đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã cho người vớt cá chết và xử lý ô nhiễm nước trong đầm. Thế nhưng, thi thoảng, nước trong đầm lại chuyển sang màu đen khiến cá chết nổi dạt vào bờ".

Không chỉ đầm Vậy mà hiện nay, nhiều ao, hồ, đầm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã có dấu hiệu ô nhiễm như nước đen, nổi váng bẩn, tảo chết, bèo tây phát triển mạnh, nước có mùi hôi thối, cá chết…

Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vĩnh Yên, địa phương hiện có 49 ao, hồ, đầm, với tổng diện tích hơn 430 ha. Qua kiểm tra, phân tích chất lượng môi trường nước mặt ở một số hồ, đầm trên địa bàn hằng năm cho thấy các chỉ tiêu NO2, BOD5, COD, TSS... vượt nhiều lần so quy chuẩn cho phép.

Để bảo vệ môi trường các hồ, ao, đầm trên địa bàn, UBND thành phố đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh xử lý kịp thời các vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh, trục vớt rác thải, xác gia súc, gia cầm, bèo tây và thực hiện vệ sinh môi trường tại các hồ, đầm trên địa bàn.

Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã trục vớt gần 8.000 tấn bèo tây để làm sạch hơn 53 ha mặt nước; sử dụng 6.000 lít chế phẩm sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường nước tại một số ao, hồ, đầm trên địa bàn như: Đầm Vạc, hồ Hoàng Quy, hồ Bảo Sơn, hồ Dộc Mở...

Thực hiện xử lý ô nhiễm tại đầm Vậy bằng phương pháp trục vớt rác thải, bèo tây, làm sạch mặt nước, nạo vét các bãi rác thải xây dựng tự phát xung quanh bờ hồ, sau đó xử lý môi trường nước bằng chế phẩm vi sinh và kết bè thủy trúc để tạo cảnh quan, sinh thái cho hồ.

Đồng thời, chỉ đạo UBND phường Ngô Quyền tuyệt đối không được giao thầu, nuôi thả cá tại hồ Đầm Chúa, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, trục vớt cá chết trong hồ; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sinh sống xung quanh khu vực hồ Đầm Chúa không tự ý nuôi, thả cá, không xả rác thải, nước thải xuống hồ gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với việc xử lý kịp thời các vấn đề ô nhiễm, thành phố thực hiện nạo vét các luồng tiêu khơi thông dòng chảy cho các hồ, đầm trên địa bàn, tránh tình trạng tù đọng nước trong thời gian dài; tích cực xây dựng hệ thống rãnh thoát nước thải trong khu dân cư để thu gom nước thải vào hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố.

Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 208 km rãnh thoát nước thải trong khu dân cư; hoàn thành việc nạo vét luồng tiêu LH2 với khối lượng bùn, rác thải nạo vét gần 1.200 m3; chỉ đạo Công ty cổ phần Thủy bộ An Phú nạo vét, cải tạo sông Phan với khối lượng đất, bùn khoảng 5.000 m3.

Nhằm ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước tại các ao, hồ, đầm, thành phố yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Trọng Hiếu thực hiện tốt việc vận hành Nhà máy xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 1 để xử lý nước thải khu vực phía Đông của thành phố, đảm bảo nguồn nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Chủ động phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước cho các nhà máy, doanh nghiệp; chỉ đạo UBND các xã, phường kiểm tra, rà soát để xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các ao, hồ, đầm trên địa bàn.

Việc thực hiện các giải pháp nêu trên đã góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại các ao, hồ, đầm trên địa bàn. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ như hiện nay, việc bảo vệ các ao, hồ, đầm trên địa bàn thành phố trước nguy cơ ô nhiễm đang gặp phải một số khó khăn.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vĩnh Yên Nguyễn Đông Giang cho biết: Hiện, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố là gần 11.000 m3/ngày, đêm.

Tuy nhiên, thành phố mới chỉ có 1 nhà máy xử lý nước thải để xử lý nước thải sinh hoạt cho khu vực phía Đông với công suất 5.000 m3/ngày, đêm. Lượng nước thải còn lại chỉ được xử lý sơ bộ qua hệ thống bể phốt của các gia đình trước khi chảy ra ao, hồ, đầm. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến nguồn nước tại các ao, hồ, đầm bị ô nhiễm.

Để hồi sinh những "lá phổi xanh" trên địa bàn, thành phố sẽ tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng hệ thống rãnh thoát nước thải trong khu dân cư để thu gom nước thải vào hệ thống thu gom cấp 1, cấp 2, sau đó đưa về trạm xử lý nước thải hiện có ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 2 để nâng công suất xử lý lên 8.000 m3/ngày đêm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình nạo vét, cải tạo các ao, hồ, đầm bị ô nhiễm.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72957/thanh-pho-vinh-yen-no-luc-bao-ve-cac-ao-ho-dam.html