Thành quả đáng ghi nhận trong công tác phục hồi sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, một trong những 'lá phổi xanh' quan trọng của Việt Nam, đã và đang chứng kiến những thành quả đáng ghi nhận trong công tác phục hồi sinh thái. Nhờ những nỗ lực không ngừng suốt nhiều năm qua, diện tích rừng tại đây không chỉ ngày càng xanh tốt mà còn tăng thêm sự đa dạng sinh học.

Các hộ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm họp bàn phương án tuần tra rừng

Các hộ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm họp bàn phương án tuần tra rừng

Được thành lập từ năm 2004, Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà đã trải qua một quá trình dài phục hồi và phát triển. Với diện tích hàng nghìn ha, nơi đây là ngôi nhà chung của hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm.

Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, các nhà quản lý và cán bộ, công nhân viên của Vườn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ trồng rừng, chăm sóc rừng đến bảo vệ rừng trước các tác động tiêu cực của con người. Hàng nghìn ha rừng trồng đã được phủ xanh, góp phần cải thiện môi trường và bảo vệ nguồn nước.

Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn của tỉnh và Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, VQG Bidoup - Núi Bà đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác phục hồi sinh thái. Trên tổng diện tích 5.766 ha đất trống, Vườn đã trồng thành công gần 1.500 ha rừng, chủ yếu là các loài thông ba lá từ năm 1996 đến năm 2002. Bên cạnh đó, để bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn đã tiến hành trồng thử nghiệm 3 ha các loài cây lá kim quý hiếm như: Bách xanh và pơ mu vào năm 2006. Những khu rừng trồng này đã phát triển tốt, khép tán và hình thành nên một hệ sinh thái mới. Vườn đã triển khai các biện pháp chăm sóc và bảo vệ rừng thường xuyên để nâng cao chất lượng và sức sống của cây trồng. Cho đến thời điểm năm 2007, Vườn đã tiến hành nuôi dưỡng gần 600 ha. Ngoài ra, để đẩy nhanh tốc độ phục hồi lại rừng, đơn vị còn tiến hành khoanh nuôi rừng. Song song đó, Vườn còn thực hiện việc khoanh nuôi bảo vệ 1.680 ha rừng tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái sinh tự nhiên của rừng. Sau thời gian thực hiện, rừng tự nhiên đã phục hồi đáng kể, đa dạng sinh học được cải thiện rõ rệt.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng diện tích rừng trồng tại VQG Bidoup - Núi Bà đến nay đã đạt 2.396,2 ha. Con số này không chỉ thể hiện sự nỗ lực của các nhà quản lý mà còn là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của các giải pháp đã được triển khai. Việc bảo vệ rừng không chỉ có ý nghĩa đối với hệ sinh thái mà còn góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng dân cư xung quanh. VQG Bidoup - Núi Bà đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và người dân, tạo ra một cộng đồng chung tay bảo vệ rừng.

Thành công trong những năm qua đã tạo tiền đề quan trọng cho VQG Bidoup - Núi Bà tiếp tục đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững. Hiện nay, việc quản lý rừng và đất rừng đã được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới, gắn liền với việc bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của cộng đồng. Công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đã được VQG Bidoup - Núi Bà xác định là nhiệm vụ trọng tâm, bảo vệ sự nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng, tiêu biểu là rừng cây lá kim đặc trưng của vùng Nam Tây Nguyên.

Về định hướng lâu dài, việc quản lý rừng và đất rừng của đơn vị đã được xây dựng không chỉ đơn thuần nhiệm vụ bảo vệ rừng là chính như trước đây. Các hoạt động đáp ứng với bối cảnh mới ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn lợi ích bảo vệ môi trường với quyền lợi sinh kế của cộng đồng và người dân; nâng cao giá trị quỹ đất. Trên cơ sở đó, đóng góp vào nhiệm vụ chung: duy trì tỷ lệ độ che phủ của rừng; lồng ghép triển khai các chương trình, đề án và kế hoạch quy hoạch phát triển lâm nghiệp chung toàn tỉnh trong từng giai đoạn 5 năm.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202412/thanh-qua-dang-ghi-nhan-trong-cong-tac-phuc-hoi-sinh-thai-tai-vuon-quoc-gia-bidoup-nui-ba-d5c216c/