Thành quả đem lại cho hợp tác xã khi áp dụng công nghệ vào sản xuất

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp giúp cho các hợp tác xã nông nghiệp, hộ dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, tăng lợi nhuận cho hợp tác xã và hộ dân. Thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đã đem lại hiệu quả tích cực cho hàng trăm hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó điển hình như: Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa; Hợp tác xã Hưng Lợi 1; Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi; nông dân Nguyễn Hữu Công, xã Song Phụng, huyện Long Phú và nông dân Tăng Văn Xúa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu...

Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú có hơn 600 thành viên tham gia, diện tích canh tác lúa hơn 620ha. Đây là một trong những hợp tác xã được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (Dự án VnSAT) hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà kho và các trang thiết bị phục vụ cho việc canh tác lúa như: máy cuốn rơm, máy gieo hạt, máy tách hạt lúa, khu vực sấy lúa… Theo ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, để nâng cao thu nhập cho thành viên, kể từ năm 2020, Ban Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi đã vận động toàn thể thành viên đưa giống lúa ST25 vào sản xuất trên cánh đồng của hợp tác xã. Ban đầu, thành viên khá lo lắng về đầu ra. Về sau, thành viên đều nhận thấy lúa ST25 được thị trường rất ưa chuộng và sản phẩm gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới nên diện tích trồng lúa ST25 ngày thêm mở rộng.

 Cánh đồng canh tác lúa ST25 của Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có diện tích 600ha. Ảnh: THÚY LIỄU

Cánh đồng canh tác lúa ST25 của Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có diện tích 600ha. Ảnh: THÚY LIỄU

Canh tác giống lúa ST25 nhẹ công chăm sóc, ít dịch bệnh, năng suất lúa luôn ổn định từ 8 tấn - 10 tấn/ha và toàn bộ sản lượng lúa sau thu hoạch được công ty bao tiêu đầu ra, giá bao tiêu từ 7.600 - 7.700 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận thu về 50 triệu đồng/ha/vụ. Song song đó, để lúa đạt năng suất tốt nhất, hợp tác xã đã áp dụng các biện pháp canh tác lúa thông minh vào đồng ruộng như: cơ giới hóa khâu làm đất, gieo sạ, phun thuốc bằng máy bay không người lái, áp dụng quy trình canh tác lúa “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, chất lượng lúa đảm bảo an toàn sau thu hoạch, đáp ứng tốt về chất lượng hạt lúa cho công ty thu mua xuất khẩu.

Cũng là hợp tác xã có tiếng về nuôi tôm nước lợ, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu là một trong những hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao đạt 90% diện tích. Ông Ngô Thanh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa thông tin: “Hợp tác xã có diện tích nuôi tôm 90ha của 26 thành viên, trong đó diện tích nuôi tôm công nghệ cao 80ha, còn lại 10ha nuôi tôm ao đất. Đối với diện tích nuôi tôm công nghệ cao, 1 năm nuôi được từ 2 - 4 vụ, tổng sản lượng tôm thẻ thu về từ 330 - 350 tấn/80ha/năm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 12 tỷ đồng/năm. Để con tôm đạt tiêu chuẩn đáp ứng xuất khẩu, trong nhiều năm qua, ngoài việc chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm ao đất sang nuôi tôm công nghệ cao, hợp tác xã còn nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC. Vì nuôi tôm “sạch” nên hợp tác xã được doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra, giá thu mua cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg ”.

“Mô hình nuôi tôm công nghệ cao có chi phí đầu tư lớn nhưng bù lại tôm nuôi được nhiều vụ trong năm, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm, nuôi tôm theo kích cỡ mong muốn. Đặc biệt là năng suất tôm cao hơn gấp 7 - 10 lần so với nuôi ao đất. Tuy nhiên, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hộ dân cần có diện tích đất từ 1ha trở lên để triển khai hoàn thiện quy trình nuôi, nhằm đảm bảo cho mùa vụ tôm nuôi luôn thành công”, ông Ngô Thanh Tuấn chia sẻ thêm.

Còn Hợp tác xã Hưng Lợi 1, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách được biết đến là hợp tác xã ứng dụng rất tốt khoa học kỹ thuật vào canh tác vườn sầu riêng, bằng cách kéo dài thời gian cho trái và áp dụng hệ thống tưới phun tự động trên toàn bộ diện tích. Hợp tác xã Hưng Lợi 1 có diện tích trồng sầu riêng Ri6 và Monthong gần 50ha, trong đó diện tích được cấp mã vùng trồng hơn 37ha và diện tích sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP gần 29ha. Tổng sản lượng sầu riêng của hợp tác xã là 1.000 tấn/năm. Ông Đoàn Út Xuân - Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lợi 1 thông tin, hợp tác xã chính thức đi vào hoạt động năm 2019. Ngay từ khi mới thành lập, được sự quan tâm của ngành chuyên môn và địa phương, hợp tác xã đã chủ động trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất trái sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Việc áp dụng các quy trình sản xuất trên vừa đảm bảo năng suất, vừa đảm bảo trái sau thu hoạch an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời kéo dài thời gian cho trái thêm 1 - 2 tháng so với cách canh tác truyền thống. Niềm vui lớn của toàn hợp tác xã là vào đầu năm 2023, hợp tác xã đã được doanh nghiệp ký kết bao tiêu trái sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, để đảm bảo nguồn hàng phục vụ xuất khẩu, hợp tác xã tiếp tục duy trì sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng mã số vùng trồng. Vận động nông dân tham gia vào hợp tác xã để mở rộng diện tích, tạo ra vùng nguyên liệu bền vững để liên kết với doanh nghiệp ổn định lâu dài.

Ngoài ra, khi nhắc đến áp dụng công nghệ vào sản xuất là phải kể đến nông dân Nguyễn Hữu Công, xã Song Phụng, huyện Long Phú. Ông vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc, trong top 100 nông dân của năm 2023. Rất nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh biết đến ông Công, bởi ông là người “tạo ra” trái chanh leo ngọt bằng phương pháp ghép cây. Theo lời ông Hữu Công, ông bắt đầu trồng chanh leo từ năm 2017. Khi chanh leo cho trái, ông thử qua thấy không thơm, ngọt nên ông nghiên cứu tìm cách tạo ra trái chanh có độ ngọt tốt, mùi thơm đặc trưng, đặc biệt là dây chanh phải cho năng suất trái cao.

Trong 1 năm tiến hành cắt ghép, thụ phấn cho dây chanh leo, kết quả thành công mỹ mãn là chanh có độ ngọt thanh, mùi thơm nhẹ, trái chanh có màu vàng chanh, lớp vỏ sáng bóng đẹp mắt lúc chín. Trong vòng 4 năm “cắt ghép” từ 2 dây chanh leo trồng ban đầu, ông Công đã phát triển vườn chanh leo lên được 2ha (tương đương 20.000 dây chanh). Sản lượng trái thu về hơn 5 tấn (năm 2022). Ngoài bán trái chanh leo tươi, ông Công còn cung cấp cây giống cho người dân trong và ngoài tỉnh. Giá bán 1 dây chanh và 1kg chanh từ 70.000 - 100.000 đồng, cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Hiện tại, trái chanh leo ngọt đã đạt 3 sao OCOP.

Nuôi tôm công nghệ cao đem lại nguồn thu nhập tốt cho các thành viên tham gia vào Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Nuôi tôm công nghệ cao đem lại nguồn thu nhập tốt cho các thành viên tham gia vào Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng là nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Tăng Văn Xúa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được biết đến là hộ dân nuôi tôm công nghệ cao khá thành công. Ông Tăng Văn Xúa đã có hàng chục năm nuôi tôm bằng ao đất, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây ông đã chuyển đổi việc nuôi tôm từ ao đất sang nuôi tôm bằng ao lót bạt (nuôi công nghệ cao). Ông có tổng diện tích nuôi tôm 6ha, trong đó có 4 ao nuôi (diện tích hơn 4.000m2/4 ao). Để có mùa vụ nuôi tôm ăn chắc, ông thường chọn nuôi tôm 2 vụ/năm. Năng suất tôm nuôi sau thu hoạch đạt từ 8 - 9 tấn/ao/năm, trừ chi phí lợi nhuận thu về 400 - 500 triệu đồng/ao. Tính tổng thu nhập của 4 ao nuôi tôm là 2 tỷ đồng/năm.

Ông Xúa tâm tình: “Mặc dù mô hình nuôi tôm công nghệ cao chi phí đầu tư cao, nhưng cái lợi đem đến cho hộ nuôi tôm là tôm ít gặp các loại dịch bệnh. Tôm thả nuôi được mật độ dày, từ 150 - 200 con/m2 nên cho sản lượng lớn, chất lượng đạt chuẩn. Nhờ đó, tôm bán được giá tốt, đặc biệt tôm nuôi công nghệ cao có màu sắc đẹp nên tôm tiêu thụ tốt, đầu ra ổn định. Nhận thấy mô hình nuôi tôm công nghệ cao đem về lợi nhuận cao tại hộ, tôi đã tăng diện tích nuôi tôm lên 10ha, trong năm 2023 với mong muốn tăng sản lượng tôm nguyên liệu, cung ứng cho các nhà máy chế biến và tăng lợi nhuận trong mùa vụ nuôi tôm”.

Nhìn chung, thông qua hiệu quả sản xuất của các hợp tác xã, hộ dân trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản, thủy sản sau thu hoạch, góp phần tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/thanh-qua-dem-lai-cho-hop-tac-xa-khi-ap-dung-cong-nghe-vao-san-xuat-67330.html