Thành quả từ giao thông nông thôn

Phát huy truyền thống là tỉnh nhiều năm đạt thành tích cao về xây dựng giao thông nông thôn (GTNT), giao thông nội đồng (GTNĐ), các cấp chính quyền trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua toàn dân xây dựng GTNT, GTNĐ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, từng bước hình thành những vùng quê ngày càng văn minh, hiện đại với cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, nâng cao.

Đường giao thông nông thôn xã Đức Bác (Sông Lô) được đầu tư hoàn thiện, giúp người dân giao thương thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: Chu Kiều

Đường giao thông nông thôn xã Đức Bác (Sông Lô) được đầu tư hoàn thiện, giúp người dân giao thương thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: Chu Kiều

Nhìn lại những năm 2000, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh còn thấp (chỉ đạt 72,4%), tỷ lệ cứng hóa đường trục chính GTNĐ chỉ đạt 80,8km/1.115km, chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Xác định phát triển KT - XH ở nông thôn là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển GTNT tỉnh giai đoạn 2006 - 2010, được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 26/2006 (gọi tắt là Nghị quyết 26) với cơ chế hỗ trợ 20% cho xã đồng bằng, 30% cho xã trung du và 40% cho xã miền núi.

Đặc biệt là Đề án cứng hóa đường trục chính GTNĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 02/2011 (gọi tắt là Nghị quyết 02) và Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 25/2016 (gọi tắt là Nghị quyết 25) với cơ chế hỗ trợ 40% đối với xã đồng bằng, 50% đối với xã trung du và 60% đối với xã miền núi.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ ngân sách tỉnh đã tạo ra sự đồng lòng, chung sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương và các tầng lớp nhân dân. Tại nhiều xã khó khăn của các huyện trung du, miền núi như Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, nhân dân đã hưởng ứng nhiệt tình các phong trào cứng hóa mặt đường GTNT.

Nhờ đó, chất lượng các tuyến đường GTNT từng bước được nâng cao rõ rệt. Tổng kinh phí xây dựng GTNT, GTNĐ được ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết 25 và Nghị quyết 02 đạt hơn 1.400 tỷ đồng.

Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh đạt 91%; tỷ lệ cứng hóa đường trục chính GTNĐ đạt 81%; toàn tỉnh có 112/112 xã hoàn thành tiêu chí số 2 - tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Riêng năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 36 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hệ thống đường GTNT, GTNĐ được quan tâm đầu tư, tạo tiền đề và nền tảng thúc đẩy giao thương hàng hóa, vận tải, thúc đẩy phát triển KT - XH, nâng cao đời sống nhân dân.

Là một trong những huyện miền núi của tỉnh, ở thời điểm năm 2009, trên địa bàn huyện Sông Lô chỉ có 29/49 km đường giao thông do huyện quản lý được cứng hóa (đạt tỷ lệ 59,2%); 57,4/417km đường GTNT được cứng hóa (đạt tỷ lệ 13,7%).

Sau hơn 10 năm, hệ thống GTNT, GTNĐ trên địa bàn huyện Sông Lô đã có nhiều thay đổi rõ rệt, khoác lên mình màu áo mới.

Đến nay, 235 km đường trục xã (đạt tỷ lệ 100%) đã được cứng hóa; đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt tỷ lệ 83%; đường ngõ xóm cứng hóa được 140/224km (đạt tỷ lệ 63%); đường trục chính GTNĐ được cứng hóa 92/136km (đạt tỷ lệ 66%).

Sông Lô đã có 16/16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, phấn đấu hết năm 2021, các xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM theo yêu cầu tiêu chí vùng Đồng bằng Sông Hồng; xã Cao Phong đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 thôn dân cư NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Duy Tiến, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sông Lô cho biết: "Phát triển GTNT, GTNĐ là tiền đề qua trọng để huyện Sông Lô từng bước mở rộng liên kết giao thông với các huyện, thành phố trong tỉnh. Đồng thời, phục vụ nhu cầu đi lại, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH trên địa bàn".

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu hết năm 2022, toàn bộ các huyện đạt chuẩn NTM; hết năm 2025, có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”.

Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc xây dựng đề án phát triển GTNT theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.

Tăng cường năng lực quản lý GTNT, đặc biệt là cấp huyện, xã; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã về kiến thức, công tác quản lý.

Xác định và phân công trách nhiệm quản lý, bảo trì GTNT giữa các cấp (tỉnh, huyện, xã); nâng cao nhận thức, tạo lập thói quen bảo trì GTNT.

Xây dựng các quy định, quy chế cụ thể về quản lý, bảo trì GTNT. Tăng cường năng lực, nhân lực cho cán bộ trực tiếp quản lý GTNT; có chương trình đào tạo, tập huấn hàng năm cho cán bộ quản lý GTNT cấp huyện, xã. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTNT đảm bảo an toàn giao thông và hành lang an toàn đường bộ...

Bảo Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71752/thanh-qua-tu-giao-thong-nong-thon.html