Thành quả từ Quy tắc ứng xử

Theo chân Đoàn Kiểm tra liên ngành Thành phố về việc thực hiện Quy tắc ứng xử (QTUX) của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, QTUX nơi công cộng từ thành phố đến các địa phương, ở đâu chúng tôi cũng chứng kiến những đổi thay đáng kinh ngạc về thực hiện QTUX. Đây là sự ghi nhận một hành trình bền bỉ, nhằm khơi dậy và phát huy nét đẹp thanh lịch, văn minh vốn có của người Hà Nội.

Bước chân vào Bộ phận Một cửa của huyện Gia Lâm và quận Long Biên, Đoàn kiểm tra không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi ở nơi đây. Thay vì những tấm bảng QTUX in trên bạt cũ kỹ, giờ đây là những tấm mica bền đẹp, trang nhã. Không gian làm việc được bố trí hợp lý, điểm xuyết bởi nhiều cây xanh, tạo cảm giác thân thiện và gần gũi. Ấn tượng nhất có lẽ là tại Bộ phận Một cửa Ủy ban nhân dân quận Long Biên. Dù lượng người đến giao dịch khá đông, nhưng mọi thứ vẫn diễn ra trơn tru nhờ hệ thống lấy số tự động và thẻ báo rung thông minh. Điểm nhấn là các thủ tục được mã hóa QR code, giúp người dân dễ dàng tra cứu mà không cần chờ đợi lâu.

Đoàn Kiểm tra liên ngành Thành phố về việc thực hiện quy tắc ứng xử tại Bộ phận Một cửa quận Long Biên.

Đoàn Kiểm tra liên ngành Thành phố về việc thực hiện quy tắc ứng xử tại Bộ phận Một cửa quận Long Biên.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên, chia sẻ: “Nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về văn hóa ứng xử tại nơi làm việc, quận Long Biên đã triển khai mạnh mẽ phong trào thi đua “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm 2 Bộ QTUX, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Toàn quận thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn; công sở văn minh, khoa học”.

Không chỉ kiểm tra tại Bộ phận Một cửa, Đoàn đã đến kiểm tra thực hiện QTUX nơi công cộng tại Đền - Chùa bà Tấm ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Tại đây, du khách có thể quét mã QR để tìm hiểu về lịch sử của di tích. Nhưng điều thực sự gây ấn tượng là mô hình phân loại rác thải ngay tại nguồn. Bà Vũ Thị Lan Anh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm, phấn khởi chia sẻ: “Các chị em phụ nữ chúng tôi đã cùng nhau xây dựng mô hình này. Nó không chỉ giúp giữ gìn vệ sinh cho di tích mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của du khách”.

Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Bùi Thị Lợi cũng cho biết thêm, mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” được huyện Gia Lâm duy trì tại 47 di tích, cụm di tích, thực hiện mới tại 38 di tích, riêng trong năm 2024, sẽ thực hiện mới tại 19 điểm di tích. Việc thực hiện mô hình này cũng được Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Ban quản lý di tích, Tiểu ban Quản lý di tích thôn, tổ dân phố quan tâm thực hiện, tạo chuyển biến tích cực góp phần phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch Gia Lâm.

Trong quản lý di tích và lễ hội, việc tuyên truyền, triển khai thực hiện mô hình tại các thôn, tổ dân phố với các tiêu chí cho cán bộ trông coi di tích, tiêu chí với người đến tham quan, hành lễ tại di tích góp phần làm cho di tích thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Ghi nhận tại Thanh Oai - một huyện ngoại thành Hà Nội, đang từng bước chuyển mình, cũng trở thành điểm sáng trong việc thực hiện QTUX của Thủ đô. Tại các cơ quan công sở, nội dung QTUX được niêm yết công khai, dễ thấy. Đặc biệt, huyện đã khéo léo lồng ghép QTUX vào đời sống hàng ngày của người dân thông qua việc đưa nội dung này vào quy ước, hương ước của thôn, làng.

Điều đáng chú ý là cách Thanh Oai sử dụng đa dạng các kênh truyền thông để phổ biến QTUX. Từ đài phát thanh truyền thống đến các nền tảng hiện đại như Cổng thông tin điện tử và kênh Zalo của huyện, thông điệp về văn hóa ứng xử được truyền tải rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, huyện còn gắn việc thực hiện QTUX với công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hằng tháng, quý và năm, tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ này trong việc nêu gương thực hiện.

Một trong những sáng kiến nổi bật của Thanh Oai là việc xây dựng các mô hình mẫu. Chúng tôi đã có cơ hội tham quan chùa Bối Khê ở xã Tam Hưng, nơi được coi là điểm sáng trong mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Tại đây, QTUX không chỉ được phổ biến đến 100% hộ gia đình mà còn được đặt ở những vị trí dễ thấy trong khuôn viên di tích. Kết quả thấy rõ, không còn cảnh xả rác bừa bãi, viết vẽ bậy hay đốt vàng mã quá mức như trước đây.

Đặc biệt ấn tượng là cách huyện Thanh Oai áp dụng QTUX vào việc cải tạo chợ truyền thống. Tại chợ Kim Bài, ghi nhận của phóng viên về hình ảnh hoàn toàn mới của chợ quê: Sạch sẽ, ngăn nắp và văn minh. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đóng vai trò then chốt trong việc vận động các tiểu thương thực hiện QTUX. Họ đã thành lập các tổ nòng cốt, tổ chức tập huấn và vận động ký cam kết thực hiện. Kết quả là chợ không chỉ sạch đẹp hơn mà còn trở thành nơi gắn kết cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện QTUX ở Thanh Oai không phải không gặp khó khăn. Ông Trần Văn Lợi - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai cho biết, vẫn còn tình trạng triển khai thiếu đồng bộ ở một số nơi, thái độ ứng xử chưa thực sự nghiêm túc của một bộ phận nhỏ người dân và cán bộ. Đặc biệt, tại một số di tích và lễ hội, vẫn còn xảy ra những hiện tượng thiếu chuẩn mực. Để khắc phục những hạn chế này, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai đã đề ra nhiều giải pháp tích cực như chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, gắn chặt việc thực hiện QTUX với đánh giá, xếp loại cán bộ. Đồng thời, huyện cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường làm việc và sinh sống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện QTUX trong đời sống hàng ngày.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thanh-qua-tu-quy-tac-ung-xu-175134.html