Thành quả từ sự đổi mới trong giáo dục

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh để lại một dấu ấn mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số giáo dục tại Việt Nam, thu hút sự tham gia đông đảo của đội ngũ giáo viên và sinh viên sư phạm cả nước.

Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ trì, được Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức trong thời gian vừa qua đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số giáo dục tại Việt Nam.

Với mục tiêu triển khai hiệu quả việc dạy và học sách giáo khoa Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời xây dựng kho học liệu Tiếng Anh chất lượng cao, cuộc thi không chỉ thu hút hàng nghìn giáo viên, sinh viên sư phạm Tiếng Anh trên cả nước tham gia mà còn mang lại những giá trị thực tiễn to lớn cho cộng đồng giáo dục.

Sân chơi bổ ích, khơi dậy sáng tạo

Trải qua hơn 6 tháng triển khai, Cuộc thi đã thu hút hơn 7.500 giáo viên, sinh viên đăng ký tham dự và nhận về 4.079 tác phẩm dự thi. Những bài giảng này không chỉ thể hiện trình độ chuyên môn vững vàng mà còn cho thấy sự sáng tạo, kỹ năng ứng dụng công nghệ và tâm huyết của các tác giả dự thi.

Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ghi nhận, Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức là hoạt động chuyên môn, có tính sáng tạo, tạo ra sân chơi hữu ích và mang đến cơ hội tốt để các nhà giáo thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết của mình.

Cuộc thi là hoạt động ý nghĩa đối với ngành Giáo dục, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin phát biểu tại buổi lễ.

Làm giàu kho học liệu số dùng chung

Sau cuộc thi, hàng nghìn bài giảng điện tử tiếng Anh chất lượng cao đã được bổ sung vào kho học liệu số dùng chung trên cả nước, một trong những tài nguyên quan trọng giúp giáo viên và học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả. Kho học liệu số không chỉ là nơi lưu trữ những bài giảng điện tử xuất sắc, chuẩn mực, mà còn là nguồn cảm hứng cho các giáo viên khác trong việc phát triển những bài giảng mới, phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện giảng dạy cụ thể.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ: "Sự nhiệt huyết và đam mê đã lan tỏa trong chính các thí sinh tham gia cuộc thi và lan tỏa rộng khắp tới các cộng đồng giáo dục, đặc biệt là các giáo viên tiếng Anh và sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh trên khắp các tỉnh thành.

Kho bài giảng điện tử Tiếng Anh có được từ cuộc thi sẽ góp phần thực hiện một trong các nhiệm vụ trọng tâm của chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục là tăng cường xây dựng học liệu số, từ đó giáo viên, học sinh có thể khai thác sử dụng một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy, nâng cao kĩ năng số cho đội ngũ giáo viên; ở đây là các nội dung gắn với thực tế công việc như: ứng dụng các phần mềm dạy học, xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử."

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc NXBGDVN.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc NXBGDVN.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Kết quả của cuộc thi không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một kho học liệu số phong phú mà còn đóng góp to lớn vào việc nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh tại Việt Nam. Các bài giảng điện tử được thiết kế khoa học, tích hợp nhiều công cụ hỗ trợ giảng dạy, không chỉ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian mà còn tăng cường khả năng tương tác, kích thích sự hứng thú học tập của học sinh.

Tự hào về kết quả tại Cuộc thi của nhóm giáo viên Trường Tiểu học Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, cô giáo Tống Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng cho biết: Các thầy, cô giáo của nhà trường đã không ngừng nỗ lực, hoàn thiện kiến thức để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng được nguồn bài giảng điện tử có chất lượng, mang đến cho học sinh nhiều cơ hội học tập, được lĩnh hội kiến thức qua nhiều hình thức, hình thành sự chủ động trong học tập. Sự nhiệt huyết, trách nhiệm của các thầy, cô đã lan tỏa phong trào đổi mới, sáng tạo trong và góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Tỉnh Ninh Bình đã ghi dấu ấn với giải Đồng tập thể tại Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh toàn quốc năm 2024.

Tỉnh Ninh Bình đã ghi dấu ấn với giải Đồng tập thể tại Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh toàn quốc năm 2024.

Cô Lê Huỳnh Huyền Trân, giáo viên Tiếng Anh trường THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, đạt giải Đặc biệt Cuộc thi cho hay, cô đã áp dụng những gì mình học được từ quá trình tham gia cuộc thi vào thực tế giảng dạy. Bài giảng e-learning đã giúp cô giáo Trân tạo ra một môi trường học tập mới mẻ và thú vị cho học sinh, giúp các em nắm bắt kiến thức một cách hiệu quả và dễ dàng hơn.

Cô Lê Huỳnh Huyền Trân, giáo viên Tiếng Anh trường THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, đạt giải Đặc biệt Cuộc thi.

Cô Lê Huỳnh Huyền Trân, giáo viên Tiếng Anh trường THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, đạt giải Đặc biệt Cuộc thi.

Có thể thấy, những đổi mới này đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về một nền giáo dục hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.

Thành công của Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử Tiếng Anh đã chứng minh rằng đổi mới giáo dục là một quá trình tất yếu và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trong tương lai, những cuộc thi tương tự sẽ còn tiếp tục được tổ chức, không chỉ trong bộ môn tiếng Anh mà còn mở rộng sang các môn học khác nhằm xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/thanh-qua-tu-su-doi-moi-trong-giao-duc-i741198/