Thanh Sơn: Chủ động phòng, chống lụt bão và thiên tai
PTĐT - Huyện Thanh Sơn hiện có 231 hồ, đập, phai dâng tạo nguồn tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 8 hồ, đập có dung tích chứa nước trên 500.000 m3; còn lại là các hồ...
PTĐT - Huyện Thanh Sơn hiện có 231 hồ, đập, phai dâng tạo nguồn tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 8 hồ, đập có dung tích chứa nước trên 500.000 m3; còn lại là các hồ, đập có dung tích chứa nước từ dưới 100.000 m3 đến dưới 500.000 m3 nằm rải rác. Do địa hình dốc nên vào mùa mưa bão dễ xảy ra lũ, sói mòn, lụt cho một số vùng, phá hủy các tuyến đường, chia cắt hệ thống giao thông liên xã và liên huyện... khiến cho công tác phòng chống lụt bão, thiên tai của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Xã Sơn Hùng là xã thuộc vùng hạ huyện, 8/10 khu dân cư nằm ven bờ song bứa nên hầu hết năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi mưa bão, lũ lụt. Điển hình như trận lụt lịch sử năm 2018 làm thiệt hại lớn về tài sản hoa màu của nhân dân. Vì vậy, để chủ động trong công tác phòng chống lụt bão xã đã chủ động xây dựng phương án ngay từ đầu mùa mưa bão như kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai đến toàn thể nhân dân, vận động người dân chủ động các phương tiện, vật tư cũng như phương án di dời người, tài sản sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Các khu dân cư vận động mỗi hộ gia đình làm một sàn cao ráo, chắc chắn để chứa lương thực và tài sản tránh ngập úng. Ông Đỗ Văn Thọ - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hiện tại xã đã thành lập trung đội dân quân cơ động gồm 31 người đặt chốt tại các điểm xung yếu trên địa bàn và các khu dân cư; phòng lúc nước lũ, ngập úng sẽ hỗ trợ sơ tán người dân và tài sản. Ngoài ra, xã đã chuẩn bị thuyền cóc, loa tay, phao cứu sinh, kẻng và các phương tiện vận chuyển tại chỗ... để sẵn sàng huy động khi có thiên tai”.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống lụt bão của huyện còn gặp nhiều khó khăn như: Tư tưởng của một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa chủ động khi xảy ra mưa bão, sạt lở. Địa bàn rộng, giao thông còn nhiều khó khăn, các bản tin cảnh báo, công điện, công văn chuyển tải đến cơ sở còn chậm do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổng hợp báo cáo và công tác lãnh, chỉ đạo phòng chống thiên tai. Phương tiện, vật tư, nhân lực cứu nạn vẫn còn hạn chế, chưa được hiện đại hóa, tính chuyên nghiệp chưa cao. Trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn thiếu, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Ông Kiều Đức Mạnh – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngay từ đầu năm, Huyện đã chủ động tốt công tác phòng chống lụt bão với phương châm “Chủ động phòng tránh - ứng phó kịp thời – khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Rơm khô, bao tải, vải bạt, cọc tre, cuốc xẻng, gạch đá, cát sỏi, đất đắp…; các phương tiện tại chỗ: xe tải, máy kéo, xe cải tiến, thuyền các loại….; các phương tiện vật tư cứu nạn được trang bị bổ sung: Xuồng máy, nhà bạt, áo phao cứu sinh 104 cái; thuyền cóc 26 chiếc; bộ đàm chỉ huy 10 bộ; loa chỉ huy cầm tay 36 chiếc; dây thừng 26 cuộn. Với mục tiêu giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản...Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng chống lụt bão, thiên tai nhất là công tác “4 tại chỗ” từ cấp huyện, cấp xã, thôn đến các hộ gia đình ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai, đảm bảo cụ thể, sát thực tế, phù hợp với nguồn lực của địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung tăng cường rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương để chủ động cứu hộ, cứu nạn tại chỗ kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.