Thanh Sơn tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, huyện miền núi Thanh Sơn có nhiều tài nguyên khoáng sản giá trị. Đây là tiềm năng thế mạnh để huyện phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhưng cũng đồng thời đặt ra yêu cầu cao đối với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản.

Công nhân Công ty TNHH Tiến Cao Phú Thọ điều chỉnh máy ép chế biến cao lanh.

Khai thác hiệu quả tiềm năng

Trên địa bàn huyện Thanh Sơn có số lượng mỏ khoáng sản phong phú: Quặng sắt, cao lanh, quắczít, ba rít, tale (tan), than, đá xây dựng, cát, sỏi có trữ lượng vừa và nhỏ, hình thành theo vỉa hoặc ổ quặng nhỏ, nằm phân tán trên địa bàn các xã trong huyện. Để khai thác tiềm năng đó, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, đến nay trên địa bàn huyện có 34 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản với 38 điểm mỏ trên tổng diện tích 504,21ha, khai thác các loại khoáng sản chủ yếu là sắt, caolanh - felspat, đất đá làm vật liệu xây dựng thông thường… Trong đó có 21 điểm mỏ còn thời hạn giấy phép khai thác với diện tích 282,67ha; 11 điểm mỏ hết hạn giấy phép khai thác đang thực hiện thủ tục gia hạn hoặc đóng cửa mỏ với diện tích 188,34ha; sáu điểm mỏ UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấp phép, đóng cửa mỏ với diện tích 33,20ha.

Những năm qua hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện từng bước đi vào nền nếp. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý như: Thủ tục thuê đất, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường…, đảm bảo cung cấp nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như đóng góp vào ngân sách Nhà nước, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, ủng hộ xây dựng các công trình công cộng và hoạt động cộng đồng tại nơi có mỏ. Riêng năm 2021, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách với tổng số tiền trên 25,2 tỉ đồng.

Không chỉ quan tâm đến lợi nhuận sản xuất - kinh doanh, trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, các doanh nghiệp đã chú trọng đến vấn đề hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường; tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị khoáng sản phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, từng bước nâng cao năng lực, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, an toàn môi trường, tạo mối liên kết trong khai thác, chế biến khoáng sản giữa các doanh nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi đầu ra cho sản phẩm.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến cao lanh từ năm 2013 trên địa bàn xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, Công ty TNHH Tiến Cao Phú Thọ hiện có hơn 20 công nhân là lao động địa phương. Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất gần bảy tỉ đồng, đảm bảo các quy trình chế biến cao lanh, an toàn cao cho người lao động, thân thiện với môi trường. Để tạo thành chuỗi gắn kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp khai thác và doanh nghiệp chế biến, tiết kiệm chi phí vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp cùng đóng trên địa bàn, Công ty TNHH Tiến Cao Phú Thọ đã nhập cao lanh của Công ty khai thác mỏ trên địa bàn, sản xuất thành phẩm xuất bán cho các đơn vị thương mại. Ông Sái Văn Tâm - Quản lý Công ty cho biết: Với sản lượng khoảng 2.000 tấn thành phẩm cao lanh, doanh thu của Công ty đạt khoảng 2,4 tỉ đồng mỗi năm. Công ty chấp hành nghiêm việc đóng góp ngân sách Nhà nước, chủ động nâng cao thu nhập cho người lao động với mức lương trung bình bảy triệu đồng/tháng; đồng thời làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn với số tiền trên 40 triệu đồng/năm.

Công ty cổ phần thi công cơ giới Chiến Thắng khai thác đá tại Mỏ đá Yên Lãng, huyện Thanh Sơn.

Tăng cường quản lý

Phát huy những kết quả đã đạt được, để tiếp tục thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, cũng như tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, năm 2021, UBND huyện Thanh Sơn đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoảng sản trên địa bàn. Cùng với đó, UBND huyện đã tham gia khảo sát cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, có ý kiến bằng văn bản về khu vực đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản, khu vực xin tận dụng khoáng sản hoặc các khu vực đề nghị hoạt động khoáng sản khác theo yêu cầu của UBND tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các nội dung về hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội của khu vực thực hiện dự án và ý thức chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản của chủ dự án... Từ đó làm cơ sở quan trọng để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt thực hiện dự án.

Đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, căn cứ Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, Quyết định cấp phép khai thác khoáng sản, huyện hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Huyện đã chủ trì, phối hợp với UBND các xã, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn thực hiện tốt việc làm mới, cải tạo, nâng cấp giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án và đảm bảo quyền lợi của nhân dân trên địa bàn.

Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh trái phép đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản. Năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã kiểm tra, phát hiện và tham mưu cho UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính 42 triệu đồng đối với năm cá nhân có các hành vi hủy hoại đất (san gạt mặt bằng, hạ cốt nền trái phép); khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép, đồng thời tịch thu 36,26m3 đá vôi và thực hiện các thủ tục hoàn nguyên theo quy định.

Huyện Thanh Sơn cũng đã chủ động đánh giá nghiêm túc những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản như: Việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ, thường xuyên; ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp chưa cao, chưa có báo cáo chính xác về sản lượng khai thác, doanh thu. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tạm dừng khai thác hoặc hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp khai thác quặng sắt do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo tiến độ dự án đã được phê duyệt hoặc phải dừng sản xuất, sản xuất cầm chừng nhưng không báo cáo kịp thời. Công tác đào tạo nguồn nhân lực trong khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất lao động thấp. Một số doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình khai thác chế biến khoáng sản. Việc vận chuyển khoáng sản làm cho hệ thống giao thông nông thôn ở một số xã bị hư hỏng, gây trở ngại lớn cho hoạt động giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nguồn nước phục vụ sản xuất và môi trường sống trong các khu dân cư…

Để khắc phục những tồn tại khó khăn và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện thời gian tới, UBND huyện Thanh Sơn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thực hiện tốt công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản. Kịp thời giải quyết các vấn đề về sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan tới tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật. Chủ trì và phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra việc tác động xấu đến môi trường để có biện pháp yêu cầu phục hồi môi trường... Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển khoáng sản trái phép trên các tuyến đường; giải quyết và xử lý các hành vi làm ảnh hưởng đến giao thông trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện sẽ chú trọng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thông qua việc tổ chức lực lượng ngăn chặn, giải tỏa, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện.

Huyền Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/thanh-son-tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-khai-thac-khoang-san/185591.htm