Thanh Sơn thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp

PTĐT - Nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, huyện Thanh Sơn đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Công ty TNHH thương mại sản xuất Hà Thái, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho 40 lao động với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH thương mại sản xuất Hà Thái, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho 40 lao động với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

PTĐT - Nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, huyện Thanh Sơn đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường để hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Ông Vũ Trọng Đức - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện cho biết: Những năm gần đây, huyện đã thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ cơ sở đơn giản hóa các thủ tục vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô, đổi mới thiết bị, công nghệ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất, kinh doanh; khuyến khích người dân duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Nhờ đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 13,19%, tăng 5,62% so với giai đoạn 2011-2015”.Xác định ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu là một trong hai khâu đột phá quan trọng, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp theo chiều sâu; tiếp tục đổi mới công nghệ song song với nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới mục tiêu xuất khẩu, tạo sự liên kết chặt chẽ về lợi ích giữa công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu. Trong đó, ngành sản xuất và chế biến chè được ưu tiên phát triển mạnh, với diện tích duy trì ổn định 2.500ha. Các đơn vị và các hộ sản xuất chè đã có ý thức trong sản xuất chè sạch từ khâu chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, thu mua nguyên liệu đầu vào, khai thác có hiệu quả năng lực, công suất các nhà máy chế biến hiện có. Công nghệ chế biến chè theo dây chuyền cũng dần được áp dụng ở các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề. Các loại máy hút chân không, lò quay thép bằng inox, máy tách màu... trở nên quen thuộc, thay thế các thiết bị sản xuất cũ, lạc hậu. Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số 329 cơ sở chế biến chè quy mô vừa và nhỏ. Ngành công nghiệp chế biến gỗ và đồ mộc gia dụng cũng được huyện chú trọng phát triển. Các cơ quan chuyên môn đã tích cực hướng dẫn các chủ rừng kỹ thuật trồng rừng; lựa chọn cây giống đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị bằng cách áp dụng quy trình kỹ thuật, đặc biệt khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn. Đối với các cơ sở sản xuất, khuyến khích đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao sử dụng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng như gỗ MDF, HDF, gỗ ghép thanh, ván sàn… Cùng với ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, huyện Thanh Sơn cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó chú trọng phát triển vật liệu xây dựng không nung. Với 42 cơ sở đầu tư sản xuất gạch, trong đó có 04 doanh nghiệp và 38 hộ sản xuất, năm 2020 sản lượng gạch cung cấp ra thị trường ước đạt trên 36 tỷ viên, tăng 12 tỷ viên so với năm 2015. Nhiều doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ, đầu tư các dây chuyền hiện đại như: Nhà máy gạch Bảo Sơn, xã Yên Lãng; Nhà máy gạch Tuynel Thanh Sơn… đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn. Các ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cũng được duy trì ổn định, phát triển với quy mô hợp lý và sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả các nguồn nguyên liệu gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, 07 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước trong khai thác, chế biến khoáng sản. Các ngành công nghiệp còn lại như dệt may, công nghiệp cơ khí, gia công kim loại và điện tử cũng từng bước phát triển phù hợp với chiến lược, định hướng quy hoạch của vùng. Để ngành công nghiệp phát triển đa dạng với nhiều lĩnh vực, ngành nghề, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, trong đó tập trung vào cụm công nghiệp Giáp Lai, cụm công nghiệp Thắng Sơn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển, tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn để người dân yên tâm đầu tư sản xuất; đẩy nhanh tiến độ đầu tư và khai thác có hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có tính chiến lược, thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn, hạn chế ô nhiễm môi trường; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp hiện có thu hút thêm vốn, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh với sự tham gia của đa dạng các thành phần kinh tế.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/cong-nghiep/202012/thanh-son-thuc-hien-cac-giai-phapphat-trien-cong-nghiep-174208