Thanh Thủy chăm lo cho giáo viên mầm non
Điều kiện làm việc cũng như đời sống vật chất, tinh thần của hầu hết giáo viên bậc mầm non trên địa bàn huyện Thanh Thủy những năm gần đây đã được quan tâm cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đối với giáo viên mầm non hợp đồng hiện nay nguồn thu nhập chưa đáp ứng nhu cầu...
Giáo viên Trường mầm non Trung Thịnh, xã Đồng Trung chăm sóc trẻ bán trú.
(baophutho.vn) - Điều kiện làm việc cũng như đời sống vật chất, tinh thần của hầu hết giáo viên bậc mầm non trên địa bàn huyện Thanh Thủy những năm gần đây đã được quan tâm cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đối với giáo viên mầm non hợp đồng hiện nay nguồn thu nhập chưa đáp ứng nhu cầu, khiến một số giáo viên có tư tưởng muốn bỏ nghề. Nhằm động viên giáo viên hợp đồng gắn bó với trường lớp, huyện Thanh Thủy đã thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời, góp phần ổn định đội ngũ, nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường Đại học Hùng Vương, chị Nguyễn Thị Bích Sang sinh năm 1985 ở khu 13, xã Đồng Trung quyết định về quê xin việc. Năm 2013, chị được ký hợp đồng vào dạy học tại Trường mầm non Trung Thịnh, xã Trung Thịnh (nay là xã Đồng Trung) với mức lương khởi điểm 1,3 triệu đồng/tháng. Chồng không có việc làm, chị Sang trở thành trụ cột gia đình. Để lo cho chồng và hai đứa con đang tuổi ăn học, ngoài lương hợp đồng, chị còn tranh thủ ngày cuối tuần chăn nuôi thêm gà, lợn và cấy hai sào ruộng. Chị Sang chia sẻ: “Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình khó khăn đã có lúc tôi muốn nghỉ dạy để xin đi làm công nhân với mức thu nhập cao hơn. Nhưng đồng nghiệp động viên, nên tôi vẫn cố gắng bám trụ với nghề suốt tám năm qua. Hơn nữa, kể từ năm học này, đời sống giáo viên hợp đồng như tôi cũng được cải thiện phần nào do huyện hỗ trợ thêm, nâng tổng thu nhập lên 3,5 triệu đồng/tháng”.
Năm học 2021-2022, Trường mầm non Trung Thịnh có 18 giáo viên, trong đó chín giáo viên hợp đồng. Ngoài kinh phí hỗ trợ lương từ ngân sách tỉnh, năm học này, huyện đã hỗ trợ thêm 750.000 đồng/người/tháng, góp phần giảm bớt khó khăn cho giáo viên hợp đồng. Cô giáo Trần Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước đây, giáo viên hợp đồng ở trường chỉ được hưởng lương chín tháng với mức 1,86. Nhưng nay, cùng với ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ, Trường trích 60% từ nguồn học phí và xã hội hóa để chi trả cho giáo viên đảm bảo hệ số lương 2,1/12 tháng. Vì thế, các cô thêm yên tâm bám trường, bám lớp”.
Học sinh Trường mầm non Đồng Luận trong giờ vui chơi.
Huyện Thanh Thủy hiện có 18 trường mầm non công lập, một trường mầm non tư thục và bảy nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Tổng số giáo viên bậc mầm non là 453 người, trong đó 252 biên chế. Trong số 201 giáo viên hợp đồng, có 24 người hợp đồng tỉnh và 177 người hợp đồng huyện. Trước thực tế mức thu nhập của giáo viên hợp đồng bậc mầm non còn thấp, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm tạo cơ chế hỗ trợ. Năm học 2020-2021, ngoài ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngân sách huyện mới chỉ chi trả cho giáo viên hợp đồng theo hệ số 1,86 và đóng BHXH 12 tháng. Riêng ba tháng nghỉ hè, huyện hỗ trợ mỗi giáo viên hợp đồng 1.000.000 đồng/tháng. Năm học 2021-2022, ngoài ngân sách tỉnh cấp chung, ngân sách huyện bố trí hỗ trợ 750.000 đồng/tháng; đồng thời tranh thủ nguồn học phí của các trường, huy động nguồn đóng góp thỏa thuận xã hội hóa để có kinh phí trả cho giáo viên hợp đồng ở hệ số lương 2,1/12 tháng. Để làm được điều đó, huyện đã phải luân chuyển, cân đối tỉ lệ giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế giữa các trường. Đơn cử như Trường mầm non Đồng Luận, sau khi luân chuyển năm giáo viên biên chế sang các trường khác, Trường còn 16 giáo viên biên chế và 13 giáo viên hợp đồng. Năm học 2021-2022, Trường có 375 học sinh. Với mức thu học phí 120.000 đồng/học sinh/tháng, Trường thuận lợi hơn nhiều so với các trường trong huyện vì không phải huy động xã hội hóa để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Trong năm học tiếp theo, huyện sẽ tiếp tục điều chỉnh sự chênh lệch tỉ lệ khoản thu thỏa thuận xã hội hóa giữa các trường nhằm đảm bảo mặt bằng chung. Từ đó, giúp giáo viên mầm non yên tâm công tác”.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202112/thanh-thuy-cham-lo-cho-giao-vien-mam-non-181757