Thành tích ấn tượng về GD&ĐT của 3 tỉnh trước khi hợp nhất thành tỉnh Ninh Bình

Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở GD&ĐT, thời hạn 5 năm kể từ 1/7/2025.

.t1 { text-align: justify; }

Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 1/7, các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình chính thức hợp nhất thành tỉnh Ninh Bình mới. Sau sắp xếp, tỉnh Ninh Bình mới có diện tích 3.942,62km2, quy mô dân số 4.412.264 người, gồm 129 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 97 xã, 32 phường).

Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Ninh Bình (mới) là thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (cũ).

Chân dung tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình

Ngày 1/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị công bố quyết định về công tác tổ chức và cán bộ. Theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thời hạn 5 năm kể từ 1/7/2025.

Ông Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1976, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (cũ). Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ Quản lý giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong khoảng thời gian từ năm 1997-2017, ông Dũng trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành giáo dục, từ giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định (cũ); Chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định (cũ) đến Phó Chánh Văn phòng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định (cũ).

Từ tháng 5/2017 - 9/2019, ông Dũng làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định (cũ).

Từ tháng 9/2019 - 1/2020, ông giữ chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định (cũ).

Từ tháng 2/2020 - 7/2024 ông Dũng giữ chức vụ Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định (cũ).

Từ tháng 8/2024 đến 30/6/2025, ông giữ chức vụ Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định (cũ). [1]

 Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Ngoài ra, bộ máy hiện tại của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình mới còn có 6 phó giám đốc gồm: ông Đinh Văn Khâm, ông Đinh Quốc Trường, ông Nguyễn Văn Thuận, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ông Bùi Văn Khiết và ông Ngô Quang Tuệ. [2]

Thành tích ấn tượng về giáo dục và đào tạo của 3 tỉnh trước khi sáp nhập

Trước sáp nhập, 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam đều có những thành tích đáng ghi nhận trong phát triển giáo dục, tạo tiền đề thuận lợi để ngành giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng sau khi sáp nhập.

Đối với tỉnh Ninh Bình (cũ), nhiệm kỳ 2020-2025, ngành giáo dục hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở lần thứ IX.

Cụ thể, chất lượng dạy học tiếng Anh luôn ổn định trong tốp 10 tỉnh cao nhất toàn quốc về điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; sắp xếp, tổ chức lại các trường tiểu học và trung học cơ sở, giảm 75 đơn vị trường học; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 97,9%; trình độ giáo viên đạt chuẩn 98,1%, trên chuẩn đạt 37,9%...

Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về phát triển giáo dục và đào tạo và lãnh đạo triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện.

Mạng lưới cơ sở giáo dục được quy hoạch, sắp xếp đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu của nhân dân; cơ sở vật chất, thiết bị được tăng cường theo hướng hiện đại, đồng bộ; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia và phòng học kiên cố đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2020-2025. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo được quan tâm phát triển cả về số lượng, cơ cấu và năng lực chuyên môn. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được nâng lên vững chắc trong tốp đầu toàn quốc; chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước tiến vượt bậc.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình (cũ) liên tục được các cấp tặng thưởng danh hiệu và phần thưởng cao quý: năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2022, Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. [3]

Về tỉnh Nam Định (cũ), trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Nam Định (cũ) luôn giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện; mạng lưới trường lớp được sắp xếp hợp lý, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ; ứng dụng chuyển đổi số, triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, AI trong dạy - học; đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng vững mạnh về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua và Bằng khen trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. [4]

 Một tiết học của học sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (cũ). Ảnh minh họa: nbtv.vn

Một tiết học của học sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (cũ). Ảnh minh họa: nbtv.vn

Học kỳ I năm học 2024-2025, cấp mầm non có 4.002 nhóm, lớp, 98.039 trẻ ra lớp; cấp tiểu học có 4.719 lớp, 163.299 học sinh (giảm 53 lớp, giảm 1.936 học sinh so với cùng kỳ năm học 2023-2024); cấp trung học cơ sở có 3.158 lớp, 128.584 học sinh (tăng 07 lớp, tăng 3.163 học sinh so với cùng kỳ năm học 2023-2024); cấp trung học phổ thông có 1.470 lớp, 64.095 học sinh (tăng 37 lớp, tăng 2.907 học sinh so với cùng kỳ năm học 2023-2024); giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông có 289 lớp, 11.665 học viên (tăng 39 lớp, tăng 990 học viên so với cùng kỳ năm học 2023-2024).

Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục toàn ngành là 25.635 người (1.668 cán bộ quản lý; 22.533 giáo viên; 1.434 nhân viên). Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn ở cấp học mầm non đạt 97,5%; cấp tiểu học đạt 86,4%; cấp trung học cơ sở đạt 93%; cấp trung học phổ thông đạt 99,97%. [5]

Trong học kỳ I và đầu học kỳ II năm học 2024-2025, Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh được tổ chức thành công với 242 học sinh đạt giải.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật và Ngày hội STEM dành cho học sinh trung học cấp tỉnh có 55/86 dự án khoa học kỹ thuật dự thi đạt giải, 44/74 sản phẩm STEM được xếp loại xuất sắc, trong đó 3 dự án khoa học kỹ thuật được lựa chọn dự thi cấp quốc gia đều đoạt giải.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025, tỉnh tiếp tục nằm trong tốp có tỷ lệ thí sinh đạt giải cao (tỷ lệ 84,84%); có 4 học sinh được tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2025. Hội thi giải Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh cấp tỉnh có 469/769 học sinh đạt giải. Sân chơi Trạng nguyên tiếng Việt trên internet cấp tỉnh có 4.336 học sinh tham dự, 221 học sinh đạt 300 điểm (điểm tối đa), 343 học sinh đạt 290 điểm, 441 học sinh đạt 280 điểm.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024-2025, khối trung học cơ sở có 1.426/2.356 học sinh dự thi đạt giải; khối trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên có 1.025/1.665 học sinh dự thi đạt giải. [6]

Đối với tỉnh Hà Nam (cũ), nhiệm kỳ 2020-2025, ngành giáo dục Hà Nam luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, lĩnh vực công tác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong 5 năm qua luôn ở top 10 tỉnh có kết quả cao nhất toàn quốc; chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn được đảm bảo với số lượng học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế đều đạt chỉ tiêu.

Trong nhiệm kỳ qua, ngành đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12; Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở. Duy trì ổn định quy mô trường lớp, huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đi học; đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp với tổng số 360/361 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 99,72%). Quan tâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất, năng lực công tác, trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ giáo dục đào tạo. [7]

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, có 9.210 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 99,60% so với tổng số thí sinh dự thi (cao hơn 0,27% so với năm 2023).

Thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, có 1.612 thí sinh đạt giải, trong đó có 76 giải nhất, 336 giải nhì, 528 giải ba và 672 giải khuyến khích. Thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông, có 63/100 thí sinh tham dự đạt giải, gồm 9 giải nhì, 24 giải ba và 30 giải khuyến khích. Tỉnh có 1 thí sinh tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Abu Rayhan Biruni tổ chức tại Uzbekistan năm 2025. Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học có 1 dự án đạt giải nhì, 1 dự án đạt giải ba, 1 dự án đạt giải triển vọng.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, có 354 thí sinh đỗ vào 10 lớp chuyên của Trường Trung học phổ thông Chuyên Biên Hòa; 7.606 thí sinh đỗ vào lớp 10 các trường trung học phổ thông. [8]

Cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục tri thức hiện đại với giá trị truyền thống, bồi dưỡng nhân tài

Bên cạnh những thuận lợi và thành tích nổi bật mà ngành giáo dục của 3 tỉnh trước khi sáp nhập đạt được, còn có một số khó khăn cần Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình (mới) tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Tại tỉnh Nam Định (cũ), trong học kỳ I, năm học 2024-2025, nhiều trường còn thiếu giáo viên, nhiều giáo viên dạy quá số tiết quy định dẫn đến khó khăn cho đơn vị trong việc bố trí đội ngũ giảng dạy và gây áp lực cho giáo viên phải dạy vượt quá số tiết quy định.

Bên cạnh đó, thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn thiếu; nhiều trường học được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn quốc gia quá thời hạn 5 năm nhưng chưa đảm bảo các tiêu chuẩn để công nhận lại, hoặc được công nhận lại nhưng ở mức chuẩn thấp hơn trước đây (từ chuẩn mức độ 2 xuống chuẩn mức độ 1).

Qua thống kê, toàn tỉnh có 165 trường đạt chuẩn quốc gia, 90 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, 65 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn đã quá thời hạn công nhận.

Năm học 2024-2025 là năm học thứ 3 triển khai Kế hoạch 81/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Nam Định (cũ) giai đoạn 2022-2025, và Công văn số 1081/SGDĐTKHTC của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt các khoản thu trong cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn những cơ sở giáo dục chưa triển khai thực hiện hoặc triển khai nhưng chưa thực hiện đầy đủ đối với cả thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục. [9]

Đối với tỉnh Hà Nam (cũ), giai đoạn 2010-2024, bên cạnh những thành tựu đạt được, so với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, giáo dục phổ thông của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chất lượng giáo dục chưa toàn diện, chưa đồng đều giữa các vùng; công tác đổi mới giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn; việc tổ chức dạy học Ngoại ngữ, Tin học còn nhiều bất cập.

Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp ở một số địa phương chưa phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập về số lượng, chất lượng, cơ cấu và còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số cấp học; năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa tương xứng với trình độ đào tạo, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Ngoài ra, việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập chưa có bước chuyển biến rõ nét, một số đơn vị chưa sẵn sàng để tiến tới tự chủ về tài chính; xây dựng trường chuẩn quốc gia ở bậc trung học phổ thông chưa đạt chỉ tiêu, nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục không đồng bộ, lạc hậu về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; công tác xã hội hóa giáo dục phổ thông còn hạn chế… [10]

Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình (cũ) chỉ ra nhiệm vụ sau khi sáp nhập tỉnh, đó là cần quan tâm xây dựng nền giáo dục của tỉnh Ninh Bình mới có bản sắc riêng dựa trên nền tảng truyền thống văn hóa, văn hiến chung của 3 tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Hà Nam, đặt ngành giáo dục Ninh Bình trong tỉnh Ninh Bình mới để tạo ra những phát triển đột phá mới.

Nhiệm vụ của ngành Giáo dục cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục tri thức hiện đại với giá trị truyền thống; duy trì, giữ vững, phát huy hơn nữa truyền thống ham học, trọng chữ và thành tích trong giáo dục - đào tạo của 3 địa phương trong thời gian vừa qua. Quan tâm giáo dục học sinh Ninh Bình trở thành người công dân có trách nhiệm, có khát vọng vươn lên. Xây dựng mô hình giáo dục mang đặc sắc vùng đất văn hiến của 3 tỉnh, hiện đại nhưng giàu cốt cách truyền thống.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ và thực chất hơn trong toàn ngành. Đây là yêu cầu rất cấp bách, yêu cầu bắt buộc đối với toàn xã hội, đối với hệ thống chính trị và toàn ngành Giáo dục cần phải chủ động hơn, tích cực hơn và phải đi trước.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Trọng tâm là lãnh đạo đổi mới phương pháp quản lý, đào tạo theo hướng thực chất, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở các cấp học, bậc học. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, coi con người là trung tâm của đổi mới. Phát triển đội ngũ nhà giáo có “Tâm sáng - Tầm xa - Trí sâu - Nghề vững”. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện mọi chủ trương đổi mới giáo dục.

Cần nghiên cứu, chủ động đề xuất chính sách thu hút người giỏi vào ngành, bồi dưỡng thường xuyên và tôn vinh xứng đáng. Quan tâm tạo không gian, môi trường cho cán bộ, giáo viên sáng tạo; xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, dân chủ, kỷ cương; khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp, áp dụng công nghệ, khơi gợi cảm hứng học tập cho học sinh. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh... [11]

Tài liệu tham khảo

[1] https://ninhbinh.edu.vn/thlacvan/tin-tuc-su-kien/ong-nguyen-tien-dung-lam-giam-doc-so-gd-dt-ninh-binh.html

[2] https://ninhbinh.edu.vn/co-cau-to-chuc/ban-giam-doc

[3] https://ninhbinh.gov.vn/tin-noi-bat/dai-hoi-dang-bo-so-giao-duc-va-dao-tao-lan-thu-x-nhiem-ky-2025-2030-352730

[4] https://namdinh.edu.vn/tin-tuc-su-kien/dai-hoi-dang-bo-so-giao-duc-va-dao-tao-tinh-nam-dinh-lan-thu-xvii-nhiem-ky-2025-2030-dan-chu-doan-ket-doi-moi-phat-trien.html

[5] https://thptphamvannghi.edu.vn/wp-content/uploads/2025/02/SGD-Nam-Dinh_BC-SO-KET-HKI-24-25-CT.pdf

[6] https://namdinh.org.vn/van-hoa-xa-hoi/phan-dau-hoan-thanh-tot-nhiem-vu-nam-hoc-2024-2025-419862

[7] https://hanamtv.vn/dai-hoi-dang-bo-so-giao-duc-va-dao-tao-ha-nam-lan-thu-viii-nhiem-ky-2025-2030-thanh-cong-tot-dep-39457.html

[8] https://www.baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tong-ket-cac-ky-thi-nam-2024-trien-khai-nhiem-vu-cac-ky-thi-nam-2025-163965.html

[9] https://thptphamvannghi.edu.vn/wp-content/uploads/2025/02/SGD-Nam-Dinh_BC-SO-KET-HKI-24-25-CT.pdf

[10] https://tapchilichsudang.vn/phat-trien-giao-duc-pho-thong-o-tinh-ha-nam-2010-2024-thuc-trang-va-mot-so-giai-phap.html

[11] https://ninhbinh.gov.vn/tin-noi-bat/dai-hoi-dang-bo-so-giao-duc-va-dao-tao-lan-thu-x-nhiem-ky-2025-2030-352730

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thanh-tich-an-tuong-ve-gddt-cua-3-tinh-truoc-khi-hop-nhat-thanh-tinh-ninh-binh-post252601.gd