Thành tích 'ảo' hay đánh giá đúng theo năng lực của học sinh?
Tình trạng điểm tổng kết của học sinh đều tốt, cả lớp đều nhận giấy khen là thực trạng của giáo dục hiện nay, không phản ánh đúng năng lực học tập của học sinh. Trong khi nhiều giáo viên và phụ huynh thấy lo lắng về thành tích 'ảo', thì các chuyên gia cho rằng điều đó lại...tốt cho các em học sinh.
Nhiều bất cập trong đánh giá, tổng kết
Những năm trở lại đây việc đánh giá, tổng kết năm học đã có nhiều thay đổi, kết quả tổng kết xuất hiện nhiều điểm 10 nhiều học sinh nhận được giấy khen khi kết thúc năm học. Điều này khiến nhiều phụ huynh hoài nghi về những điểm số và thành tích của chính con cái họ.
Anh Ngô Hùng Tân ở Hà Đông, Hà Nội bày tỏ sự sự ngạc nhiên khi con mình đang học THCS nhưng điểm tổng kết cả năm học…trên 9. Đây là số điểm mà hầu như thế hệ của anh Ngô Hùng Tân khi đang đi học phổ thông rất ít bạn đạt được. Nếu điểm số này là thực chất thì đó là điều anh Tân phải hãnh diện tuy nhiên anh lại tỏ ra bình thản.
Tâm sự với phóng viên, anh Tân chia sẻ: “Với điểm tổng kết đó nhưng tôi vẫn không an tâm về việc học tập của cháu”.
Một trong những minh chứng cho việc tổng kết điểm vênh với sức học thực tế là điểm của hồ sơ xét đầu vào cấp THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Tình trạng học bạ của nhiều học sinh 5 năm liền tổng kết toàn toàn 10, nhưng khi tham gia thi đánh giá năng lực đầu vào lại tổng điểm hai môn văn toán chỉ đạt 4 điểm.
Hay điểm học bạ THPT tổng kết 8 điểm, 9 điểm nhưng khi thi tốt nghiệp THPT điểm chỉ đạt 1 điểm, 2 điểm.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Trong lớp duy nhất một bạn không được khen thực sự đáng tiếc. Nếu phát hiện được năng lực vượt trội nào đó của bạn này để khen thì tốt hơn (ảnh nguồn internet).
Mới đây nhất dư luận chú ý hơn khi nhiều hình ảnh tổng kết của học sinh tiểu học được chia sẻ lên mạng xã hội. Việc cả lớp học duy nhất một học sinh không được giấy khen còn lại đều được khen gây bất ngờ cho nhiều người.
Nhìn hình ảnh học sinh buồn vì không được khen ngồi lọt thỏm giữa rừng giấy khen đã nảy ra nhiều ý kiến tranh luận. Trong đó không ít ý kiến ngạc nhiên về việc có nhiều giấy khen đến thế.
Qua nhiều ý kiến có thể thấy việc dạy thực, học thực, đánh giá thực đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay.
Nhiều giáo viên cho rằng không nên tổng kết điểm quá cao hay khen quá nhiều vì như vậy là thiếu thực chất, làm mất ý nghĩa của việc khen thưởng.
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận (NB&CL), cô Nguyễn Thị T.H, giáo viên tiểu học ở Thái Nguyên cho rằng, hiện nay đang có tình trạng vì thành tích của nhà trường nên tổng kết, đánh giá chưa đúng với thực chất. Nhiều học sinh được lên lớp nhưng đọc không thông, viết không thạo. Thậm chí, nhiều trường hợp phụ huynh xin nhà trường cho con ở lại lớp nhưng không được chấp thuận.
Nếu cả lớp bạn nào cũng được giấy khen thì rõ ràng tổng kết không phù hợp với thực tế giảng dạy.
Đánh giá đúng thì cao nhất cũng chỉ có 50% học sinh trong lớp học được giấy khen.
Trong khi đó, cô Ch.Ph ở Nghệ An phản ánh tình trạng 1 lớp 35 em thì có 34 em xuất sắc, 1 em khen vượt trội. Vậy em nào cũng được khen nên cảm nhận loạn giấy khen. Đồng quan điểm, cô Phan.T.T. A ở Hà Nội cho rằng, với việc đánh giá như hiện nay thì giá trị của những tấm giấy khen không còn nhiều ý nghĩa.
Qua trao đổi, nhiều thầy cô bày tỏ mong muốn giảm áp lực chỉ tiêu, thành tích để thầy cô được chủ động trong đánh giá, xếp loại học sinh.
Điều này sẽ tránh được tình trạng mưa điểm 10, rừng giấy khen như hiện nay.
Bản điểm toàn 10 của những học sinh dự tuyển vào bậc THCS Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (ảnh nguồn internet).
Thực hiện triết lý giáo dục mới
Trước thực trạng cả lớp ai cũng được giấy khen, trao đổi với phóng viên báo NB&CL cô Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Hà Đông cho rằng, về giấy khen của học sinh tiểu học, theo hướng dẫn mới là khen theo từng mặt mạnh của học sinh nên em nào cũng được khen.
Theo đó, các em đều có những tố chất riêng, em thì có năng lực về tự nhiên, em lại giỏi về các môn xã hội, văn hóa, thể thao, chăm chỉ… nên tổng kết cuối năm đều được khen.
Đây là kết quả của nghiên cứu khi mọi đứa trẻ đều chứa đựng những năng lực, phẩm chất riêng. Cần khuyến khích động viên học sinh phát triển theo năng lực riêng của các em.
Ngày xưa khen thưởng là căn cứ điểm tổng kết nên một lớp chỉ có khoảng 10 học sinh/40 em được khen. Bây giờ do đánh giá theo nhóm năng lực dựa trên quan điểm giáo dục hướng tới sự phát triển năng lực của từng học sinh nên ai cũng đều được khen.
“Giờ không như ngày xưa, cách đánh giá học sinh tiểu học đã khác. Bạn nào cũng được giấy khen và nội dung khen lại khác nhau. Khen là để động viên học sinh phát huy mặt tốt nhất của các em. Khen đúng mặt mạnh nhất để các em thấy mình không thua kém các bạn mà mỗi người giỏi về một mặt” - bà Hằng chia sẻ.
Đồng quan điểm, khi chia sẻ với phóng viên Báo NB&CL, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, việc đánh giá và khen học sinh đúng lĩnh vực mà các em có kết quả tốt là đúng.
Bởi vì, trời sinh ra mỗi người có một năng khiếu, thiên hướng khác nhau nên có thành tích khác nhau. Từ trước đến nay, giáo dục chủ yếu chỉ đánh giá kết quả học tập các môn. Kết quả học tập, điểm số cũng chỉ phản ánh một mặt về năng lực phẩm chất của con người.
Trong khi, con người sinh ra vốn không giống nhau về mặt năng lực. Có những người giỏi về mặt tư duy logic nhưng không trội hơn các bạn ở những mặt năng khiếu như thể thao, văn nghệ, hoạt động xã hội… trong khi các bạn khác lại giỏi các lĩnh vực này.
Trong đánh giá phải nhận xét, động viên để các em phát triển mặt mạnh của mình và đồng thời phát triển toàn diện cá nhân.
Do đó, về mặt khen thưởng học sinh thì khen thưởng cả học sinh toàn diện và khen thưởng những học sinh chỉ nổi trội từng mặt. Đây là cách để nâng đỡ học sinh phát triển.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm: “Bây giờ không thể quay lại như thời xưa chỉ khen thưởng kết quả học tập các môn văn hóa. Mỗi một lớp chỉ có hai ba học sinh được khen. Khen như vậy thì có nhiều em nhiều năm trời chẳng được khen, điều này không được động viên mà làm thui chột khả năng của các em.
Hiện nay, thuyết đa trí tuệ cho rằng đánh giá con người bằng chỉ số IQ là không đúng, chưa toàn diện. Con người có tám trí thông minh, IQ chỉ đo trí thông minh logic, ngoài ra còn có trí thông minh nội tâm, vận động, giao tiếp, không gian…nếu đánh gia như trước đây thì chỉ khen các cháu học văn, toán giỏi. Đánh giá như vậy là không đủ, không động viên được tất cả”.
Liên quan đến đánh giá học sinh tiểu học, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, trong tổng kết, đánh giá học sinh thì phải đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện, giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng nhưng đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan…Vì vậy, việc lạm dụng giấy khen, hay khen không đúng thực tế Bộ GD&ĐT đã nhiều lần chỉ đạo điều chỉnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các địa phương cần chú ý đến việc khen thưởng học sinh cuối năm học, việc đánh giá phải đảm bảo thực chất, vì sự tiến bộ của học sinh, tránh lạm dụng giấy khen dẫn đến “tác dụng ngược” trong việc khen thưởng.
Qua trao đổi với các thầy cô và các chuyên gia có thể hiểu việc khen thưởng hiện nay đối với học sinh mở rộng ra nhiều lĩnh vực không chỉ căn cứ vào điểm tổng kết học tập. Đây là một điểm mới, tuy nhiên có thể thấy nếu lạm dụng và cho rằng học sinh nào cũng có mặt mạnh, cần được khen thì dễ áp dụng máy móc. Việc dễ dãi khen nhiều khi không động viên được kịp thời mà còn khiến các em ngộ nhận bản thân, từ đó phát triển lệch lạc các năng lực, phẩm chất vốn có của các em.