Thanh toán điện tử vượt qua 8 triệu giao dịch/ngày
Mới đây, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nếu như trước năm 2016, thanh toán điện tử khoảng 500 - 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng, thì đến nay giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).
Ghi nhận từ thực tế, anh Nguyễn Văn Hoàng (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, trước đây khi không mang theo tiền mặt anh luôn cảm thấy bất an, nhưng 1 năm nay, anh tự tin khi ra đường không có tiền mặt bởi các hoạt động thanh toán mã QR hay chuyển khoản rộng khắp và rất thuận lợi, an toàn. Có thể thấy, độ phủ sóng của thói quen thanh toán không tiền mặt từ các hàng ăn vỉa hè, quán cà phê đến chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại. “Ai cũng có mã QR Code. Tôi thường đi chợ Xuân La gần nhà, buổi sớm nếu trả 500 ngàn đồng ở hàng rau thì người bán phải chạy vạy khắp nơi để đổi tiền trả lại khách, giờ thì không còn cảnh đó nữa”, anh Hoàng nhớ lại câu chuyện quen thuộc trước đây.
Chị Ngọc Thảo, phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng khá hài lòng với phương thức thanh toán điện tử. Trong chuyến du lịch lên Tây Bắc mới đây, chị rất ngạc nhiên bởi người bán hàng ở các hàng quán nhỏ ở Sa Pa cũng sử dụng thành thạo thanh toán mã QR. “Việc thanh toán điện tử đảm bảo an toàn khiến gia đình tôi không còn nỗi lo giữ tiền mặt trong chuyến du lịch”.
Trong khi đó, chị Tuyết Nhung - chủ một cửa hiệu điện thoại ở Thanh Trì (Hà Nội) đã dùng mã QR Code được 2 năm để thuận tiện hơn cho bản thân và khách hàng. Chị Nhung nói: Nhận thấy khách hàng xu hướng không dùng tiền mặt, nên tôi đã triển khai dùng mã QR Code. Xu hướng của xã hội thì buộc mình phải thay đổi để thích ứng, hơn nữa cách này cũng giúp việc buôn bán thuận tiện hơn. Việc thanh toán không tiền mặt đã và đang phổ biến, nó cũng cho thấy xã hội ngày một phát triển hơn.
Có thể thấy từ sau dịch bệnh Covid-19, chuyển đổi số trong đó ngành ngân hàng đã có những bước tiến vượt bậc với thanh toán điện tử. Trong một nghiên cứu của Mastercard mới đây, có 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn thì tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%.
Thông tin tại tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức (ngày 21/8), ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, ngành ngân hàng là một trong những ngành tiên phong, đi đầu trong quá trình chuyển đổi số. Nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân.
Giai đoạn 2020 - 2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Nếu như trước năm 2016, khoảng 500 - 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng, thì đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Với lượng thanh toán lớn hàng ngày như vậy, chuyển đổi số là hết sức quan trọng và thiết thực. Đối với ngành ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, chuyển đổi số có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, sở dĩ chuyển đổi số như vậy là do trong giai đoạn vừa qua, các ngân hàng thương mại đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho công cuộc chuyển đổi số.
Đánh giá của bà Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn nhiều nước khác trong khu vực. Các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam đã rất chủ động trong việc đảm bảo bắt kịp các xu hướng và công nghệ. Ít nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Điều này cũng một phần rất lớn là nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động và tạo môi trường tốt cho các ngân hàng hoạt động và phát triển. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam rất hưởng ứng và đón nhận chuyển đổi số.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Rất nhiều tổ chức tín dụng đã đạt được số lượng giao dịch trên kênh số lên tới 90%. Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các hình thức thanh toán số đều hướng tới mục tiêu Quyết định 1813 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025). Trong đó, làm sao để đến năm 2025, Việt Nam đạt khoảng 80% người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản ngân hàng.