Thanh toán không dùng tiền mặt ở chợ nông thôn Thái Nguyên

Từ một số mô hình điểm chợ nông thôn không dùng tiền mặt được triển khai năm 2022, với sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng, đến nay chợ nông thôn không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã trở thành phổ biến. Qua đó, tạo dựng tâm thế mới trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh.

Nằm ở trung tâm thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ nhưng hầu hết người mua hàng tiêu dùng thiết yếu, người bán nông, lâm sản, thực phẩm tại chợ chợ Đại Từ lại là bà con nông dân trong khu vực.

Tháng 4/2022, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ và Viettel Thái Nguyên chọn chợ Đại Từ làm thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại diện đơn vị đầu tư, quản lý chợ cho biết: Ban đầu các tiểu thương, người dân, nhất là người dân nông thôn rất băn khoăn với việc thanh toán không dùng tiền mặt, vì không có tài khoản, ngại thay đổi thói quen, nhất là không biết có an toàn, tiện lợi không.

Khắc phục khó khăn này, tiểu thương, người dân được cán bộ chức năng tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục, hỗ trợ, hướng dẫn lập tài khoản, nạp tiền vào tài khoản Viettel Money, trang bị mã QR, kết nối với nhiều ngân hàng và các ví điện tử, thao tác thanh toán nên giao dịch không dùng tiền mặt ở chợ Đại Từ nhanh chóng được nhân rộng.

Chị Nguyễn Thị Đông, người chuyên bán rau ở chợ Đại Từ, chia sẻ: Với thói quen dùng tiền mặt từ trước đến nay nên khi thực hiện thanh toán điện tử thì rất ngại, sợ rườm rà, không chắc chắn, nhưng được sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của nhân viên Viettel thì thấy việc thanh toán dễ dàng, thuận lợi cho cả người bán và người mua hàng, trong đó thanh toán được cả tiền vài trăm đồng, vài ba nghìn đồng mà dùng tiền mặt thì nhiều khi không có nên cũng bất tiện.

Huyện Đại Từ có nhiều nhà máy, xí nghiệp, công nhân ngày càng tăng và tất cả đều được trả lương qua tài khoản. Chị Dương Thanh Giang chia sẻ, tôi thường mang lương thực, thực phẩm, nông sản sản xuất được ra chợ bán, ban đầu không có mã QR nên người ta chuyển sang mua hàng khác, mình không bán được hàng nên ngay sau đó phải đăng ký mã QR để tiện cho thanh toán.

Theo Trưởng Ban quản lý Chợ Đại Từ Đinh Văn Giáp, tiểu thương, người dân mua, bán tại chợ Đại Từ thường ôm khư khư túi, cặp đựng tiền vì sợ rơi, mất, nhưng từ khi thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách quét mã QR thì không lo điều đó nữa. Với sự văn minh, tiện lợi, an toàn, đến nay thanh toán không dùng tiền mặt ở chợ Đại Từ đã trở thành phổ biến gần và được nhân rộng ra tất cả các chợ trên địa bàn huyện,

Vốn là một huyện thuần nông, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay Phú Bình đạt chuẩn nông mới và 14 chợ trên địa bàn thanh toán không dùng tiền mặt, tất cả tiểu thương và 80% dân số trong độ tuổi lao động trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử để phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày.

Tất cả các sản phẩm OCOP của Phú Bình được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến. Góp phần đạt kết quả đó, 276 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 1.800 thành viên thường xuyên hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, hướng dẫn tiếp cận, sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến.

Từ mô hình điểm chợ 4.0 được huyện Phú Lương triển khai tại chợ Đu cuối năm 2022, với sự hướng dẫn của cán bộ chức năng và sự tiện lợi trong thanh toán, chỉ sau thời gian ngắn, gần như 100% tiểu thương, hộ kinh doanh tại đây đã sử dụng hình thức thanh toán điện tử và lan tỏa ra toàn huyện.

Đó là 12/12 chợ truyền thống ở huyện Phú Lương thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, điển hình là chợ xã Phú Đô, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng xa, nhưng có đến 50% tiểu thương, người đi chợ có tài khoản, mã QR code để thanh toán.

Không chỉ những vùng thuận lợi về địa lý, kinh tế phát triển mà người dân tộc thiểu số, cư trú ở vùng cao huyện Võ Nhai đã và đang chủ động áp dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, quảng bá du lịch và phục vụ đời sống hằng ngày.

Hợp tác xã mỳ, bún khô Tiến Diện, ở xóm Cầu Nhọ, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai đã nhanh chóng bắt nhịp với phương thức kinh doanh trong thời đại số khi giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, mạng Zalo, Facebook, nhờ đó đạt doanh thu 200-250 triệu đồng/tháng, tăng 30- 40% so với trước, tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động. Mùa na Võ Nhai đang diễn ra, nông dân trên địa bàn bán hàng chục tấn qua giao dịch điện tử.

Qua đó cho thấy, triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, kinh tế số, xã hội số và công dân số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh, trong đó đáng chú ý là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, nông dân văn minh, trước hết là ở khía cạnh ứng dụng công nghệ, tiếp cận phương thức thanh toán hiện đại.

NGUYỄN THẮNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-o-cho-nong-thon-thai-nguyen-post822955.html