Thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ công
Thanh toán không dùng tiền mặt, ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Gần đây, hình thức giao dịch này được đẩy mạnh trong thực hiện thanh toán phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính trong thực hiện dịch vụ công.
Tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, hằng ngày, có các tổ chức, cá nhân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Trước đây, khi đến trung tâm thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí, lệ phí TTHC các tổ chức, cá nhân đều mất khá nhiều thời gian, xếp hàng chờ đợi để nộp tiền mặt. Từ khi triển khai giải pháp thanh toán phí, lệ phí không sử dụng tiền mặt, đã khắc phục những bất cập này.
Ông Lò Văn Xoa, Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, cho biết: Trung tâm hướng dẫn công dân thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, với các hình thức thanh toán quét mã QR Pay, quét thẻ ATM qua máy POS. Tại các quầy giao dịch của 20 cơ quan, đơn vị đồng loạt công khai mã QR của ngân hàng, lắp đặt wifi miễn phí để người dân, doanh nghiệp thuận tiện thanh toán các loại phí, lệ phí.
Anh Nguyễn Duy Trung, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu đến Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh làm thủ tục, nộp lệ phí trước bạ nhà đất. Anh Trung nói: Tôi không phải mang tiền mặt, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có tài khoản ngân hàng, sau khi làm thủ tục biết lệ phí cần nộp, thì quét mã QR trên điện thoại, nhập số tiền trên biên lai và thanh toán, rất nhanh gọn, thuận lợi, an toàn.
Ở thành phố Sơn La đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, các khoản đóng góp, học phí đều chuyển sang trực tuyến. Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và các đơn vị cung cấp các ứng dụng hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Bà Lê Thị Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Linh, chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, nhà trường gửi video hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) thanh toán để các giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn phụ huynh sử dụng. Việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian và việc đối soát, kiểm tra tiền học phí, tiền đóng góp của học sinh... đều được thực hiện tự động, tránh rủi ro phát sinh trong giao dịch tiền mặt, như thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền giả...
Hiện nay, nhiều nhóm dịch vụ công như: y tế, điện, nước, giáo dục, đất đai, chi trả dịch vụ an sinh xã hội… đã triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử. Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cung ứng dịch vụ công phối hợp với ngân hàng lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, in mã QR-Code... cho phép người dân, doanh nghiệp sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng thanh toán. Cùng với đó, các cơ sở hạ tầng, công nghệ được chú trọng đầu tư.
Qua thống kê, tỷ lệ dân số của tỉnh có điện thoại thông minh đạt trên 70%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt gần 40%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt 79,5%. Toàn tỉnh có trên 1.000 máy POS thanh toán, gần 200 máy ATM, máy gửi, rút tiền tự động. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng tích cực triển khai chương trình miễn giảm phí dịch vụ thanh toán, phí giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử cho khách hàng đăng ký thanh toán online, phí thanh toán không dùng tiền mặt qua các ứng dụng ngân hàng số.
Đẩy mạnh hơn nữa phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền đến người dân, tổ chức về lợi ích không dùng tiền mặt trong giải quyết các TTHC; nghiên cứu, nâng cấp, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật để triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán trực tuyến khác, bảo đảm phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; xây dựng hệ thống quản trị tài chính công hiện đại, minh bạch.