Thanh toán phi tiền mặt sẽ bùng nổ

Thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến tại Việt Nam và xu hướng này dự báo tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion

Trợ lực từ thị trường

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã chứng kiến sự mở rộng đáng kể trong thời gian qua. Đặc biệt, năm 2023 chứng kiến sự phát triển bùng nổ của phương thức thanh toán QR và sự phổ biến các ứng dụng thanh toán không tiếp xúc mới như Apple Pay, Samsung Pay. Người dùng, ngoài thanh toán thẻ truyền thống đã được trải nghiệm nhiều lựa chọn hơn.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 2 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 51,6% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.

Năm 2024, nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam được dự báo sẽ hồi phục. Tăng trưởng GDP của Việt Nam, theo dự báo của HSBC, có thể đạt 6%, cao hơn mức 5,05% trong năm 2023. Các ngành bán lẻ, thương mại điện tử tiếp tục mang lại sự trợ lực cần thiết cho nền kinh tế, điều này sẽ tác động tích cực đến chi tiêu của người dân. Giao dịch mua sắm nhộn nhịp trở lại sẽ kéo theo nhu cầu thanh toán tăng đáng kể. Ngành thanh toán điện tử có thêm đà để tăng trưởng trong năm sau.

Khi thanh toán điện tử còn lạ lẫm, người dùng đã quen thuộc với hình thức thanh toán hóa đơn tại quầy. Đại dịch Covid-19 chính là chất xúc tác quan trọng buộc người dùng phải chuyển dịch, đồng thời tạo cơ hội cho họ được trải nghiệm sự tiện lợi, an toàn của thanh toán điện tử. Trong những năm gần đây, hình thức thanh toán hóa đơn trực tuyến đã trở nên phổ biến và tăng trưởng nhanh, lấn át dần phương thức thanh toán tại quầy truyền thống. Trong quá trình này, không thể không kể đến sự hoàn thiện và cải tiến ngày càng tối ưu của các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử khi phát triển tiện ích thanh toán hóa đơn ngay trên ứng dụng. Điều này cũng phù hợp với xu hướng của thế giới: người dùng không cần phải thực hiện thanh toán từng lần, mà chủ động chọn thanh toán định kỳ để xử lý các hóa đơn cố định hàng tháng.

Các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích đã và đang khuyến khích khách hàng thanh toán trực tuyến bằng cách gửi thông báo cước qua tin nhắn trên các kênh online. Đây cũng là một trong những nỗ lực giúp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Dự kiến rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Những ứng dụng thanh toán “chạm tới cảm xúc” ngày càng hấp dẫn giới trẻ

Những ứng dụng thanh toán “chạm tới cảm xúc” ngày càng hấp dẫn giới trẻ

Hiện tại, lĩnh vực bán lẻ vẫn chiếm số lượng lớn trong các giao dịch thanh toán không tiền mặt. Dựa trên quan sát thói quen của người dùng, xu hướng chung của xã hội và sự sẵn sàng về hạ tầng chấp nhận thanh toán của các điểm bán hàng có khả năng đáp ứng nhiều phương thức thanh toán không tiền mặt, chúng tôi dự đoán trong năm 2024 sẽ tiếp tục đón nhận làn sóng tăng trưởng giao dịch đối với nhóm lĩnh vực bán lẻ.

Đối với thương mại điện tử, trước đây, hình thức COD (Cash on Delivery) chiếm tỷ trọng khá lớn. Trong năm nay, hình thức COD vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng, tuy nhiên, thay vì đưa tiền mặt cho nhân viên giao hàng, khách hàng có thể chuyển khoản, hoặc lựa chọn các phương thức thanh toán đơn giản như QR code, contactless.

Bên cạnh đó, chủ trương mạnh mẽ từ Chính phủ và sự quyết liệt trong việc triển khai hỗ trợ thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công như thanh toán viện phí, học phí, phí dịch vụ tại các cơ quan nhà nước… đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Và sự bắt tay nhộn nhịp của ngân hàng - Fintech

Sự năng động của các đơn vị Fintech và sự cạnh tranh quyết liệt để thúc đẩy thị trường đi kèm với sự đầu tư to lớn của các nhà đầu tư vào thị trường tài chính công nghệ đã góp phần thay đổi rất nhanh ngành thanh toán.

Nhiều năm qua, Fintech vẫn luôn đóng vai trò là cánh tay nối dài của hệ thống ngân hàng. Nhìn lại những năm 2008, Payoo cùng các đơn vị Fintech tiên phong triển khai thí điểm ví điện tử và du nhập các xu hướng mới của thế giới vào Việt Nam.

Sự năng động của các đơn vị Fintech và sự cạnh tranh quyết liệt để thúc đẩy thị trường đi kèm với sự đầu tư to lớn của các nhà đầu tư vào thị trường tài chính công nghệ đã góp phần thay đổi rất nhanh ngành thanh toán. Các sản phẩm dịch vụ mới liên tục ra đời phù hợp với nhu cầu của người dùng, mang lại sự tiện lợi cho người dân.

Nhận thấy sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm các công ty Fintech và không có rủi ro về sự đối đầu, các ngân hàng nhanh chóng chuyển từ việc dè dặt lo lắng về sự cạnh tranh sang trạng thái cởi mở hợp tác để cùng phát triển. Nếu như trong quá khứ, để một ngân hàng và Fintech kết nối với nhau phải mất thời gian từ vài năm thì hiện nay, các ngân hàng và Fintech trên thị trường bắt tay nhau rất nhộn nhịp.

Nhờ vào sự cởi mở đó, cả hai tận dụng được triệt để thế mạnh của đôi bên: thế mạnh quản lý dòng tiền, tài khoản, an ninh trong quản lý tiền bạc của ngân hàng; thế mạnh về công nghệ, mạnh dạn thay đổi và thử nghiệm sáng kiến mới, tạo ra hàng loạt các dịch vụ mới có sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào các đợt sóng thúc đẩy từ thị trường. Các ứng dụng ngân hàng cập nhật nhanh chóng để hỗ trợ khách hàng trên kênh trực tuyến đa dạng hơn, ví dụ như ứng dụng eKYC vào việc mở tài khoản mới, ứng dụng Chatbot AI để chăm sóc khách hàng và các ứng dụng mobile banking giúp người dùng có thể thực hiện thanh toán nhanh chóng.

Để phát triển, các đơn vị Fintech bắt buộc phải có sự kết nối với ngân hàng. Trong giai đoạn ngân hàng chưa đầu tư mạnh cho công nghệ, liên kết giữa hai bên chưa thực sự trọn vẹn. Nhưng những năm gần đây, sự đầu tư mạnh mẽ của các ngân hàng vào công nghệ tạo ra nhiều thuận lợi và hỗ trợ Fintech và ngân hàng kết nối đầy đủ, chuyên sâu hơn trước kia, đặc biệt là xu hướng AI và Big Data. Các ngân hàng ngày càng đầu tư mạnh mẽ về công nghệ hạ tầng, giúp việc xử lý các khối lượng thông tin lớn một cách nhanh chóng, giải quyết trơn tru được những bài toán khó và xử lý mượt mà ở cả các thời điểm bùng nổ giao dịch.

Sự phát triển nhanh của Fintech cần có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể hạn chế những rủi ro. Do vậy, các nhà làm luật luôn cẩn trọng trong việc ban hành các chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán liên quan đến dòng tiền. Các cơ quan quản lý luôn cần thời gian nghiên cứu kỹ, giám sát kèm đánh giá tình hình thực tế trước khi triển khai trên quy mô rộng, thời gian dài.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Theo Dự thảo Nghị định, các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm gồm những lĩnh vực như sau: (1) chấm điểm tín dụng; (2) chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); (3) cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đây đều là những sản phẩm dịch vụ nhận được sự quan tâm của các đơn vị Fintech.

Payoo kỳ vọng những chính sách mới sẽ giúp các trung gian thanh toán định hướng dễ dàng con đường chiến lược của mình trong tương lai, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền thanh toán Việt Nam.

Ngô Trung Lĩnh / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thanh-toan-phi-tien-mat-se-bung-no-post347226.html