Thanh toán số giúp quản lý tài chính hiệu quả
Thanh toán số không chỉ tạo ra sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dùng, mà còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện nay 87% số người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Trong khi số liệu thống kê của NHNN cũng cho biết, 5 tháng đầu năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có những bước tiến mới, tổng giao dịch tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị so với cùng kỳ 2024. Đặc biệt, giao dịch qua Internet, điện thoại di động và QR Code đều tăng trưởng ấn tượng, trong khi giao dịch qua ATM giảm, phản ánh xu hướng chuyển dịch sang thanh toán số.
TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khi các giao dịch tài chính được thực hiện trên nền tảng số, dữ liệu giao dịch sẽ được lưu trữ rõ ràng, giúp cơ quan quản lý dễ dàng giám sát, kiểm tra và quản lý dòng tiền hiệu quả hơn. Thanh toán số càng phổ biến thì giao dịch tiền mặt càng giảm, từ đó hạn chế tối đa các hoạt động thiếu minh bạch trong nền kinh tế. Ở góc độ vĩ mô, điều này giúp tiết giảm đáng kể chi phí in ấn, quản lý và lưu thông tiền mặt, tăng tốc độ xử lý giao dịch, đồng thời cải thiện hiệu quả sử dụng vốn và thúc đẩy vòng quay tiền nhanh hơn, mang lại lợi ích lớn cho toàn bộ nền kinh tế.

Đối với doanh nghiệp, thanh toán số ngày càng đóng vai trò thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ ban hành các quy định mới về thuế. Theo Nghị định 181/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), doanh nghiệp bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua vào (kể cả hàng hóa nhập khẩu) từ 5 triệu đồng trở lên để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ chính sách thuế, mà còn góp phần minh bạch hóa dòng tiền, giảm thiểu rủi ro sai sót và nâng cao hiệu quả quản trị tài chính.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thanh toán số không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình giao dịch mà còn tạo nền tảng quan trọng cho quản trị tài chính hiệu quả. Khi tập trung dòng tiền tại ngân hàng có nền tảng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp có thể theo dõi dòng tiền vào - ra chính xác, kịp thời, từ đó đánh giá khả năng thanh khoản, cân đối vốn lưu động và đưa ra quyết định đầu tư, vay vốn hoặc tái cấu trúc tài chính một cách chủ động. Đồng thời, việc giao dịch qua kênh số sẽ góp phần hình thành hồ sơ tài chính minh bạch - yếu tố then chốt để doanh nghiệp nâng cao uy tín, thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Cũng theo TS. Châu Đình Linh, thanh toán số phát triển cũng chính là cơ hội để ngân hàng đồng hành, cung cấp các dịch vụ tài chính để giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận các giải pháp thanh toán không tiền mặt cũng như tìm được những khách hàng tiềm năng mới.
Nắm bắt được nhu cầu từ thị trường, mới đây, ABBANK đã hợp tác với VNPAY để cung cấp giải pháp thanh toán số, giúp tiểu thương và doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận thanh toán, quản lý dòng tiền hiệu quả, đồng thời tuân thủ tốt các quy định pháp lý mới. Các khách hàng của ABBANK có thể lựa chọn sử dụng máy SmartPOS đa năng để thanh toán, contactless, quét mã QR, in hóa đơn, quản lý giao dịch và xử lý tra soát ngay tại điểm bán. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng giải pháp thanh toán bằng mã VNPAY-QR thông qua các nền tảng Internet.
Một số ngân hàng khác như VIB cung cấp gói giải pháp tài chính toàn diện dành riêng cho DNNVV. Ứng dụng VIB Business giúp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch thanh toán theo thời gian thực, quản lý dòng tiền và tối ưu hiệu quả tài chính. Đặc biệt, ngân hàng còn triển khai các công cụ thanh toán hiện đại như SoftPOS (biến điện thoại thành máy POS) và QR Payment (mã QR riêng cho từng điểm bán), giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và giao dịch nhanh chóng, thuận tiện.
Sự phát triển nhanh của thanh toán số cũng kéo theo những thách thức mới về bảo mật thông tin và an ninh mạng. Theo các chuyên gia, nhóm hộ kinh doanh, tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ thường dễ trở thành mục tiêu tấn công trên không gian mạng do hạn chế về kỹ năng công nghệ, chưa đầy đủ nhận thức về bảo mật giao dịch và bảo vệ dữ liệu khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng và tổ chức tài chính cần chủ động triển khai các giải pháp nâng cấp hệ thống phòng vệ, tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và công nghệ bảo mật tiên tiến như mã hóa dữ liệu, xác thực đa lớp, cảnh báo rủi ro theo thời gian thực. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo mật số cho người dùng, qua đó giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thanh-toan-so-giup-quan-ly-tai-chinh-hieu-qua-167308.html