Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Hiệu quả kép

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 220 cơ sở y tế. Trong thời đại 4.0, các đơn vị đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tạo điều kiện cho người dân đến khám, chữa bệnh.

Hiện nay, các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đều có cán bộ hướng dẫn người dân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Hiện nay, các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đều có cán bộ hướng dẫn người dân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Có mặt tại quầy thanh toán của Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, chúng tôi khá bất ngờ khi nhiều bệnh nhân lớn tuổi sử dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại thông minh để thanh toán viện phí. Bà Vũ Thị Nội, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho hay: Thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện ích. Chúng tôi không phải mang theo giấy tờ, tiền mặt lỉnh kỉnh như trước. Đã có lần đi khám, vì mải giữ các loại giấy tờ như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế nên tôi bị rơi mất tiền. Bây giờ thì khác rồi, chỉ cần căn cước công dân, điện thoại di động, quét mã là thanh toán được viện phí nhanh gọn.

Cùng chung suy nghĩ như và Nội, bà Dương Thị Thanh, xã Dương Thành (Phú Bình), nói: Đi khám tại Bệnh viện đa khoa Phú Bình, tôi không còn phải mang theo tiền mặt. Được thanh toán viện phí bằng cách chuyển khoản, tôi tiết kiệm thời gian, giảm bớt căng thẳng trong những lần chờ thanh toán.

Có thể thấy, sau 3 năm đẩy mạnh thực hiện chuyển đối số, ngành Y tế Thái Nguyên đã có những “bước nhảy” khá ngoạn mục. Hiện nay, tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, bệnh nhân chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR (Quick Response) bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với đơn vị để thanh toán viện phí. Hình thức này cũng giúp các đơn vị kiểm soát được nguồn thu và không lãng phí nguồn nhân lực.

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Tại các bệnh viện, việc xếp hàng thanh toán viện phí luôn là vấn đề bức xúc đối với bệnh nhân và người nhà. Bởi vậy, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là một yêu cầu cấp thiết. Với nhiều nỗ lực, đến nay, 100 % cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.

Trên thực tế, để đạt được kết quả này không hề dễ dàng, nhất là việc giúp những bệnh nhân cao tuổi tiếp cận được với cách thanh toán viện phí hiện đại. Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Cùng với việc tập huấn, nâng cao khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin, công nghệ số cho cán bộ y tế thì việc tuyên truyền để mỗi cán bộ đều có ý thức hướng dẫn người dân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là rất cần thiết. Theo đó, mỗi cán bộ y tế cần nhẫn nại với bệnh nhân, người dân, nhất là những người cao tuổi, hỗ trợ họ thao tác thuần thục các bước bằng cách quét mã, chuyển khoản… Mưa dầm thấm lâu, dần dần mọi người sẽ quen với việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Hiện nay, có đến 50% người dân khi khám, chữa bệnh ở Trung tâm chủ động thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế trong tỉnh đạt kết quả cao còn do Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các đơn vị và cơ sở y tế đảm bảo hạ tầng thanh toán, trang thiết bị phần mềm, dịch vụ thông suốt, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử.

Thời gian tới, các cơ sở y tế trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, toàn thể nhân dân trên các phương tiện truyền thông; bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cuoc-song-so/202403/thanh-toan-vien-phi-khong-dung-tien-mat-hieu-qua-kep-e0e1174/