Thanh tra 15 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và 2 nhà máy lọc dầu

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra tại 15 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp phía Bắc, 2 doanh nghiệp miền Trung và 7 doanh nghiệp phía Nam.

Thừa ủy quyền của Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Lê Sỹ Bảy vừa ký quyết định thanh tra về chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý nhà nước về xăng dầu.

Theo đó, đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ gồm 12 người, do ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo kinh tế ngành (Vụ I, Thanh tra Chính phủ) làm trưởng đoàn.

Thời kỳ thanh tra, theo quyết định, từ tháng 1/2017 đến hết tháng 6/2022. Khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị, từ thời điểm công bố quyết định thanh tra.

Người dân TPHCM chen chúc vào đổ xăng tại một cây xăng hồi đầu tuần này. Ảnh: Đức Nam

Người dân TPHCM chen chúc vào đổ xăng tại một cây xăng hồi đầu tuần này. Ảnh: Đức Nam

Trong thời gian này, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra tại 15 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp phía Bắc, 2 doanh nghiệp miền Trung và 7 doanh nghiệp phía Nam.

Ngoài ra, đoàn cũng tiến hành thanh tra tại hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn.

Vẫn theo quyết định, Tổng thanh tra Chính phủ giao Vụ trưởng Vụ I chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn quy định, xử lý hoặc trình Tổng thanh tra Chính phủ xử lý theo quy định pháp luật về thanh tra và các quy định khác liên quan.

Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và Xử lý sau thanh tra giúp Tổng thanh tra Chính phủ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo quy định.

Thị trường xăng dầu trong nước những ngày qua ghi nhận diễn biến phức tạp khi hàng loạt cửa hàng xăng dầu phía Nam ngưng bán hoặc bán cầm chừng. Theo kiến nghị của hàng chục doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng, chi phí thực tế chưa được phản ánh đầy đủ và nhà điều hành chậm điều chỉnh các chi phí kinh doanh, kìm giá khiến bất ổn gia tăng.

Trong chi phí kinh doanh có khoản đưa xăng dầu về đến cảng, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước... Các phụ phí, chi phí kinh doanh này vừa qua tăng 7-8 lần so với trước đây và chưa được phán ánh đủ trong giá cơ sở. Hiện chi phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam đã được Bộ Tài chính điều chỉnh từ kỳ điều hành 21/9; còn chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước tới hôm qua, ở kỳ điều hành ngày 11/10, mới điều chỉnh.

Vì thế, khi chưa được điều chỉnh chi phí hợp lý khiến kinh doanh bị lỗ, nhà cung cấp (đầu mối, thương nhân phân phối) hạn chế bán ra.

Đề cập đến vấn đề này tại buổi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ hôm qua (13/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao các cơ quan quản lý nghiên cứu sửa quy định về điều hành xăng dầu, trong đó có nghiên cứu rút ngắn kỳ điều hành.

Thủ tướng nhìn nhận, điều hành xăng dầu vừa qua chưa linh hoạt, chưa theo kịp diễn biến thị trường và cần kiểm điểm trách nhiệm cơ quan liên quan.

Trước đó, tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/10, Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội 2022, kế hoạch 2023 của Chính phủ cũng đề nghị phân tích rõ nguyên nhân trong điều hành giá xăng dầu.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc này để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời khi giá xăng dầu thế giới có những diễn biến bất lợi trong tương lai.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đến nay đã qua 27 kỳ điều hành. Sau 4 kỳ giảm giá liên tiếp từ đầu tháng 9, giá đã tăng trở lại vào ngày 11/10. Hiện mỗi lít xăng RON 95-III ở mức 22.000 đồng, E5 RON 92 là 21.290 đồng và dầu diesel là 24.160 đồng.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/thanh-tra-viec-chap-hanh-chinh-sach-phap-luat-trong-quan-ly-nha-nuoc-ve-xang-dau_138341.html