Thanh tra Cần Thơ chuyển hồ sơ 5 gói thầu mua kit Việt Á sang công an làm rõ
Thanh tra Cần Thơ chỉ ra nhiều sai sót trong việc mua sắm vật tư phòng dịch COVID-19 trên địa bàn, và chuyển công an điều tra làm rõ 5 gói thầu.
Ngày 7-6, Thanh tra TP Cần Thơ đã có thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống dịch, các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định COVD-19 tại Sở Y tế và cơ quan, đơn vị có liên quan trong năm 2020 và 2021.
Thông báo cho biết, năm 2020 và 2021, các đơn vị đã thực hiện mua sắm 576 gói thầu, tổng giá trị là hơn 276,5 tỉ đồng. Đoàn thanh tra kiểm tra 413 gói thầu với tổng giá trị hơn 238 tỉ.
Bên cạnh những việc làm được, Thanh tra đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cần chấn chỉnh.
Cụ thể, Sở Y tế đã mượn hàng và ký hợp đồng nguyên tắc tạm ứng hàng theo doanh số với nhà thầu, sau đó chỉ định thầu. Cách làm này là chưa phù hợp với các nguyên tắc về đấu thầu. Một số gói thầu không tổ chức thuê đơn vị thẩm định giá mà tự thành lập Tổ mua sắm là chưa đúng theo quy định.
Việc lựa chọn nhà thầu của một số gói chưa đáp ứng năng lực thực hiện ngay gói thầu là không đúng với quy định.
Một số gói thầu không thực hiện đủ các bước đối với chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, không có ba bảng báo giá để làm cơ sở chỉ định thầu và xác định giá gói thầu, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định…
“Để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên, trách nhiệm thuộc về Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Y tế và Phó Giám đốc là Tổ trưởng Tổ mua sắm và các thành viên của Tổ mua sắm thực hiện gói thầu” – thông báo nêu.
CDC Cần Thơ đã thực hiện 7 gói thầu mua sắm sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao, trong đó 5 gói thầu đã làm thủ tục thanh toán, 2 gói thầu tạm dừng thanh toán (đã thực hiện các bước theo quy trình chỉ định thầu). Đơn vị được chỉ định thầu là Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất.
Kết quả thanh tra tại CDC CầnThơ ghi nhận một số hạn chế như việc lấy sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á làm căn cứ đề xuất kinh phí, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không nêu được căn cứ đề xuất nhu cầu về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, không so sánh hiệu quả giữa các loại kit xét nghiệm đang có trên thị trường. Trong khi tại cùng thời điểm, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản công bố nhiều loại kit trong nước và nhập khẩu để các cơ sở y tế tham khảo làm căn cứ mua sắm.
Cạnh đó, một số gói thầu không có hồ sơ dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; việc áp giá thiết bị theo chứng thư thẩm định giá không phù hợp về thời gian. Chứng thư thẩm định giá chưa phản ánh chính xác giá so với giá thị trường dẫn đến việc xây dựng đơn giá dự thầu chưa đảm bảo chính xác, khách quan. Hơn nữa, việc thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá do CDC Cần Thơ tự thực hiện, không có quyết định chỉ định thầu và không đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu để trình UBND Cần Thơ phê duyệt.
CDC Cần Thơ lập hồ sơ mời thầu không nêu tiêu chuẩn đánh giá theo mẫu quy định. Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất của Công ty Hợp Nhất, kết quả kiểm tra chất lượng thành phẩm và hướng dẫn sử dụng nêu sản phẩm có tên không đúng với tên theo bảng chào giá. Do đó, hồ sơ không đáp ứng về tính năng kỹ thuật nhưng vẫn được tổ chuyên gia đấu thầu và tổ thẩm định đề xuất trúng thầu và được Giám đốc CDC Cần Thơ phê duyệt. Công ty Hợp Nhất trúng thầu là không đúng quy định của Luật Đấu thầu.
Thời gian ký kết thực hiện hợp đồng không đảm bảo theo Quyết định số1531/2020 của UBND Cần Thơ về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu và CDC Cần Thơ nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu là Công ty Hợp Nhất không đúng chủng loại kit, dẫn đến thanh toán vượt quy định.
Việc chỉ định thầu của CDC Cần Thơ có dấu hiệu cố ý lựa chọn sản phẩm của Công ty Việt Á và chỉ định Công ty Hợp Nhất thực hiện gói thầu nhằm hợp thức hóa hồ sơ mua sắm, xây dựng giá không tham khảo giá thị trường dẫn đến chênh lệch giá gây thiệt hại ngân sách Nhà nước – Thông báo kết luận của Thanh tra TP Cần Thơ nêu.
Bên cạnh đó, có gói thầu được CDC Cần Thơ lập hồ sơ yêu cầu quy định về năng lực và kinh nghiệm chưa đúng quy định, dẫn đến việc đánh giá hồ sơ đề xuất của Công ty Hợp Nhất đáp ứng về năng lực và kinh nghiệm trong khi theo hồ sơ đề xuất thì nhà thầu này không đủ tiêu chuẩn để thực hiện gói thầu.
Ngoài ra, Công ty Hợp Nhất chưa cung cấp hàng hóa theo đúng các điều khoản nêu trong hợp đồng, nhưng CDC Cần Thơ căn cứ vào các biên bản mượn hàng trước đó làm cơ sở xác nhận giá trị khối lượng công việc hoàn thành và thực hiện nghiệm thu thanh lý hợp đồng để thanh toán cho nhà thầu là không đúng quy định pháp luật.
Đến thời điểm thanh tra, CDC Cần Thơ còn mượn hàng chưa làm thủ tục thanh toán và thủ tục đấu thầu tổng giá trị thực hiện hơn 7,3 tỉ (gói số 1) và gói thầu mua bộ trang thiết bị chẩn đoán/sinh phẩm và hóa chất tách chiết, giá đề nghị phê duyệt gần 10,7 tỉ (gói số 2).
Theo Thanh tra, “để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên, trách nhiệm thuộc về Giám đốc CDC Cần Thơ, Hội đồng Khoa học công nghệ cơ sở, Tổ thẩm định, Tổ chuyên gia xét thầu và các cá nhân tham mưu thực hiện gói thầu. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá được CDC Cần Thơ chỉ định thầu thực hiện thẩm định giá các gói thầu mua sắm tại CDC Cần Thơ và trách nhiệm có liên quan của lãnh đạo Sở Tài chính, Phòng thẩm định và cá nhân trực tiếp thẩm định hồ sơ dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu”.
Đối với việc mua sắm tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP Cần Thơ, thông báo cho biết, hồ sơ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không có biên bản họp của Hội đồng khoa học. Hàng hóa được chỉ định để mua sắm là sản phẩm của Công ty Việt Á, không so sánh đối chiếu với giá của các sản phẩm cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật của các hãng sản xuất khác, dẫn đến việc thẩm định giá không phản ánh chính xác giá thị trường của sản phẩm.
Có dấu hiệu chia tách nhỏ gói thầu để tiến hành chỉ định thầu mua sắm ở một số bệnh viện theo quy trình rút gọn, vi phạm những điều cấm trong hoạt động đấu thầu.
Việc mua sắm được chia nhỏ thành các gói thầu dưới 100 triệu, không phải trình Sở Tài chính thẩm định giá và trình UBND Cần Thơ phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Do vậy, giá các sản phẩm test nhanh do bệnh viện tự chỉ định thầu có thể chưa đảm bảo đúng giá thị trường của sản phẩm, thậm chí giá của các sản phẩm test nhanh do bệnh viện mua có giá cao hơn sản phẩm có cùng tính năng, độ nhạy, độ đặc hiệu...
Thanh tra cho rằng, đối với hạn chế, thiếu sót ở khối bệnh viện, trách nhiệm thuộc về Giám đốc bệnh viện, Khoa Dược, bộ phận kế toán và các cá nhân có liên quan trực tiếp thực hiện gói thầu và một số đơn vị khác.
Đối với việc mua sắm của UBND các quận, huyện và Trung tâm Y tế, Thanh tra Cần Thơ kết luận hầu hết các đơn vị này chưa kịp thời đăng tải công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; không thực hiện thương thảo hợp đồng; không yêu cầu nhà thầu cung cấp số lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu phù hợp với trang thiết bị y tế dự thầu. Có đơn vị phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu vượt thẩm quyền.
Có đơn vị thực hiện việc mua sắm chỉ định thầu khi chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện; không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Có đơn vị thực hiện ký kết và thanh lý hợp đồng tư vấn, lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ, đề xuất và ký hợp đồng tư vấn, thẩm định hồ sơ yêu cầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu với doanh nghiệp đã bị đóng mã số thuế hoặc thanh toán khi chưa được UBND TP phê duyệt.
Ngoài ra, có dấu hiệu chia nhỏ gói thầu để lựa chọn các đơn vị phân phối sản phẩm test nhanh khác nhau, loại test nhanh khác nhau, với giá test chênh lệch khá lớn. Tuy nhiên, gói thầu có giá sản phẩm test cao hơn đã không thực hiện do vậy chưa gây ra thiệt hại hay lãng phí về tài chính cho ngân sách.
Một số Trung tâm y tế huyện không thực hiện thương thảo hợp đồng, không ra quyết định chỉ định thầu; sử dụng ba bảng báo giá nhưng không có ký xác nhận của các đơn vị chào giá…
Thanh tra xác định trách nhiệm chính thuộc về giám đốc các Trung tâm Y tế và các cá nhân trực tiếp tham mưu công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế tại Trung tâm này; Văn phòng, Phòng Tài chính – Kế hoạch và Phòng Y tế tại UBND một số quận, huyện. Ngoài ra, Chủ tịch UBND một số quận, huyện cũng có trách nhiệm trong việc để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên (Bình Thủy, Ô Môn, Phong Điền, Vĩnh Thạnh) và Chủ tịch UBND các phường trên địa bàn quận Bình Thủy.
Từ các đánh giá trên, Chánh Thanh tra TP Cần Thơ kiến nghị Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm, kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan có những hạn chế, thiếu sót và khắc phục những hạn chế, thiếu sót qua thanh tra.
Về xử lý tài chính, yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan thu hồi, nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra TP các nội dung sai phạm về mua sắm và sử dụng với tổng số tiền là hơn 61 triệu.
Kiến nghị chuyển công an làm rõ 5 gói thầu liên quan CDC
Theo thông báo, Chánh Thanh tra TP Cần Thơ cũng kiến nghị chuyển cơ quan Công an tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với nhiều gói thầu.
Cụ thể là 5 gói thầu mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ chỉ định thầu.
Đối với các gói thầu này, Thanh tra kết luận có dấu hiệu cố ý lựa chọn sản phẩm của Việt Á và chỉ định Công ty Hợp Nhất là đơn vị cung cấp hàng hóa, đồng thời hợp thức hóa hồ sơ mua sắm để thực hiện thanh toán cho nhà thầu không đúng quy định pháp luật, vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại ngân sách nhà nước.
Cạnh đó là gói thầu mua sắm kit xét nghiệm Việt Á do Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ chỉ định thầu. Gói thầu này, Thanh tra kết luận có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc mua sắm.
Cuối cùng là gói thầu mua sắm máy X-quang di động kỹ thuật số phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Gói thầu này, Thanh tra kết luận vi phạm nghiêm trọng các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.