Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra một số dự án quy mô 1.500 tỷ đồng trở lên tại địa phương
Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra các dự án của bộ, ngành Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên; đồng thời, lựa chọn một số dự án quy mô lớn tại địa phương có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Ông Đoàn Hồng Phong –Tổng Thanh tra Chính phủ vừa chủ trì cuộc họp triển khai thanh tra chuyên đề các dự án có khó khăn, vướng mắc.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, nhiệm vụ này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 205/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 6/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, nhằm đánh giá, xác định rõ nguyên nhân của các vướng mắc, kéo dài, kém hiệu quả, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án.

Tổng thanh tra Đoàn Hồng Phong phát biểu tại cuộc họp.
Theo Kế hoạch số 1505/KH-TTCP ngày 22/7/2025, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra các dự án đầu tư có quy mô lớn, tính chất phức tạp, thời gian triển khai kéo dài, có dấu hiệu vi phạm, trên cơ sở danh mục dự án do Bộ Tài chính cung cấp.
Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra các dự án của bộ, ngành Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, lựa chọn một số dự án quy mô lớn tại địa phương có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Thanh tra Bộ Quốc phòng phụ trách các dự án thuộc thẩm quyền trong danh mục được giao. Còn thanh tra các tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra các dự án trên địa bàn có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên, ngoại trừ các dự án đã do Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Quốc phòng thực hiện.
Thời kỳ thanh tra tính từ thời điểm khởi công đến ngày 1/7/2025; trong trường hợp cần thiết có thể mở rộng trước hoặc sau mốc thời gian này. Thời hạn thanh tra không quá 45 ngày đối với các đoàn thanh tra do Thanh tra Chính phủ chủ trì; không quá 30 ngày đối với đoàn thanh tra của Bộ Quốc phòng và cấp tỉnh.
Thanh tra Chính phủ giao Cục VII chủ trì tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn Thanh tra Bộ Quốc phòng, thanh tra cấp tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện theo đúng phạm vi, đối tượng, nội dung và thời hạn quy định.
Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan thanh tra triển khai kế hoạch theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Kế hoạch thanh tra phải được xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai trong tháng 7/2025.
Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra trước ngày 25/9/2025; Thanh tra Bộ Quốc phòng và cấp tỉnh, thành phố ban hành kết luận trước ngày 15/9/2025; Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh, thành phố tổng hợp kết quả gửi Thanh tra Chính phủ trước ngày 20/9/2025; Thanh tra Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/10/2025.
Tổng Thanh tra yêu cầu các đơn vị chủ trì thanh tra xác định nội dung sát thực tiễn, chú trọng các vấn đề có dấu hiệu sai phạm hoặc nguy cơ gây thất thoát trong các khâu: chấp thuận chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư, bố trí vốn, thanh, quyết toán, giao đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính về đất…
Hoạt động thanh tra phải đảm bảo đúng pháp luật, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, không trùng lặp với hoạt động kiểm toán và không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.