Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra về xuất khẩu gạo

Theo Thanh tra Chính phủ, thời kỳ thanh tra việc quản lý xuất khẩu gạo là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2020 với thời gian thanh tra là 35 ngày từ ngày ký quyết định thanh tra, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc xuất khẩu gạo từ ngày 1/1 đến ngày 31/5/2020. Ảnh TL.

Thanh tra về công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo trong 35 ngày

Chiều ngày 24/4, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã ký quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.

Quyết định nêu rõ, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP -KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã có báo cáo kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.

Cụ thể, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không và tuân thủ theo đúng Luật Quản lý Ngoại thương hay chưa.

Thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2020, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Thời hạn thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).

Cuộc thanh tra này do ông Lê Quang Tiệp, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.

Đoàn Thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch tiến hành thanh tra được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.

Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam cho hay, ông cũng giao Vụ trưởng Vụ I giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc Đoàn Thanh tra, xử lý hoặc trình Tổng Thanh tra Chính phủ xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Đoàn Thanh tra.

Đồng thời, giao Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra theo quy định.

Trước đó, ngày 20/4, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu gạo, làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp chiều 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao về xuất khẩu gạo.

Trước đó, ngày 23/3/2020, Thường trực Chính phủ họp đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá trong nước.

Sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4 năm 2020 là 400 nghìn tấn và quy định về đăng ký tờ khai hải quan.

Sau khi Quyết định 1106 được ban hành, nhiều ý kiến của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh rằng việc đăng ký tờ khai xuất hiện một số bất cập: thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi); cá biệt có trường hợp đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống.

Tổng cục Hải quan ra văn bản hỏa tốc về việc đăng ký xuất khẩu gạo trong ngày 24/4

Cũng trong ngày hôm nay (24/4), Tổng Cục Hải Quan (TCHQ) đã ban hành công văn hỏa tốc số 2638/TCHQ-GSQL gửi các đơn vị; Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và Cục Hải quan các tỉnh thành phố về việc đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo.

Theo đó, về việc đăng ký xuất khẩu gạo TCHQ cho biết, Hiện nay TCHQ đã thiết lập Hệ thống VNACCS/VCIS để các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan từ 0h00 ngày 25/4/2020 đến hết ngày 30/4/2020 đối với các lô hàng đã đưa vào Cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa được đăng ký tờ khai hải quan.

Các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan với số lượng gạo đã đăng ký trên tờ khai hải quan không được vượt quá số lượng gạo thực tế đã được đưa vào cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế có văn bản xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh cảng. Trong đó, nêu rõ số lượng gạo đã đưa vào trước ngày 24/4/2020 còn lưu giữ tại cảng biển quốc tế, của khẩu quốc tế, Chi Cục Hải quan xác nhận và lưu hồ sơ hải quan.

Trường hợp các doanh nghiệp có lô hàng gạo đang lưu giữ tại các cảng biển quốc thế, cửa khẩu quốc tế từ trước ngày 23/3/2020 nhưng chưa được tổng hợp trong danh sách thì gửi thông tin về Tổng cục Hải quan kèm theo xác nhận của cơ quan hải quan, doanh nghiệp kinh doanh để được cập nhật vào hệ thống.

Đối với các tờ khai hải quan đã được đăng ký trong hạn ngạch 400.000 tấn nhưng quá 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan doanh nghiệp không xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thực hiện việc hủy tờ khai hải quan theo quy định. Đồng thời, báo cáo về TCHQ trước 9h00 ngày 27/4/2020.

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp tới thời điểm nêu trên, TCHQ không nhận được báo cáo các tờ khai hủy trên hệ thống.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-tra-chinh-phu-vao-cuoc-thanh-tra-ve-xuat-khau-gao-post77585.html