Thanh tra, kiểm tra thực phẩm Tết trung thu: Bảo đảm quyền lợi người dân, doanh nghiệp

Mỗi mùa trung thu đến, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu làm bánh nướng, bánh dẻo… trở thành mối quan tâm lớn của người tiêu dùng (NTD).

 Kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu, bảo đảm an toàn thực phẩm

Kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu, bảo đảm an toàn thực phẩm

Thông tin đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Đảm bảo ATTP trong sản xuất và tiêu dùng bánh trung thu" do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Sở Y tế Hà Nội tổ chức mới đây cho thấy, thị trường bánh trung thu hiện nay rất đa dạng và được sản xuất chủ yếu từ 3 nguồn: Công ty, sản xuất thủ công hộ gia đình và những năm gần đây "bùng nổ" sản phẩm bánh trung thu handmade. Mặc dù, các cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, kiểm soát ATTP, song vẫn còn đó những khó khăn, bất cập...

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội - cho biết: Về nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo đảm ATVSTP nói chung, sản xuất bánh trung thu nói riêng, dưới góc độ quản lý, người đứng đầu các cấp có thẩm quyền phải nêu cao nhận thức, trách nhiệm. Với NTD, cần luôn quan tâm đến ATVSTP. Đối với các cơ sở sản xuất, cần nhận thức rằng, việc bảo đảm ATVSTP gắn liền với sinh mệnh, sự tồn tại của doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều công ty đã hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này và đầu tư cơ sở vật chất rất khang trang. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống bảo quản, tìm nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng. Tháng 11 và 12 hàng năm, Chi cục ATVSTP Hà Nội đều có cuộc khảo sát ngẫu nhiên 3 đối tượng: Nhà quản lý, NTD, người kinh doanh. Mỗi đối tượng được phát 360 phiếu đầy đủ các câu hỏi đánh giá nhận thức của các nhóm. Kết quả cao nhất thuộc về nhóm đối tượng các nhà quản lý (93%), tiếp đó là nhóm chủ cơ sở sản xuất (89%), NTD (87%).

Theo bà Hoàng Minh Thu - Phó Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, khó khăn lớn nhất trong kiểm soát ATTP bánh trung thu chính là kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Ngoài hồ sơ hợp đồng về nguồn gốc và hóa đơn mua - bán, chi cục còn yêu cầu cơ sở phải thêm giấy đăng ký kinh doanh của cơ sở sản xuất nhân bánh, kiểm nghiệm định kỳ nhân bánh đó đạt yêu cầu được lưu trữ tại cơ sở. "Chúng tôi cũng quan tâm đến thao tác thực hành của cá nhân người chế biến; cách nặn nhân bánh, cho trứng muối phải sử dụng găng tay dùng 1 lần. Tuy nhiên, thực tế đoàn đi kiểm tra nhiều nơi, người chế biến bánh trung thu sử dụng găng tay dùng 1 lần lại làm việc khác như đếm tiền, mở ngăn tủ…, dẫn đến ô nhiễm. Đoàn kiểm tra chỉ thực hiện định kỳ nên vai trò của chủ cơ sở rất quan trọng" - bà Hoàng Minh Thu cho biết.

Năm 2019, ngoài việc thành phố thành lập các đơn vị kiểm tra, việc thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành cấp huyện, xã, phường kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, vì đây sẽ là các cơ sở chính thực hiện các hoạt động kiểm tra. Các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Công Thương, quản lý thị trường… sẽ tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
Các doanh nghiệp cần nhìn nhận việc thanh tra, kiểm tra là vấn đề bình thường trong hoạt động quản lý. Khi các đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng tầm, đúng tâm, sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho hoạt động quản lý kinh doanh và quyền hợp pháp của người dân cũng như doanh nghiệp.

Anh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-tra-kiem-tra-thuc-pham-tet-trung-thu-bao-dam-quyen-loi-nguoi-dan-doanh-nghiep-124283.html