Thanh tra nhiều lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực
Năm 2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã triển khai các cuộc thanh tra trên nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, có nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Bài liên quan
Thanh tra Chính phủ đề nghị bảo vệ người tố cáo sai phạm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội
Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lí hàng chục tỷ đồng sai phạm tại Bắc Giang
Thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực
Công tác PCTN năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao; tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tham nhũng kết hợp với việc phát hiện và xử lý nghiêm minh một số vụ án liên quan đến tham nhũng, cùng với hiệu ứng tích cực có được từ công tác vận động, tuyên truyền và các đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, các ngành, các cấp trong hệ thống nhà nước nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) đã có tác dụng răn đe và hạn chế tham nhũng.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Dự báo tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn.
Năm 2020, TTCP đã triển khai các cuộc thanh tra trên nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, có nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm, các kết luận thanh tra được công khai theo đúng quy định của pháp luật đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và dư luận.
Như, việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam và số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam tái cơ cấu; Kết luận thanh tra về việc thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội; việc giải quyết tố cáo một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Trường Đại học Ngoại thương;
Ngoài ra, còn có vụ từ dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu; Dự án mở rộng và cải tạo sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; việc đầu tư nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; Thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, Nhổn - ga Hà Nội...
Trong năm 2020, TTCP tiếp tục, có nhiều buổi đối thoại tiếp dân, gần dân, ghi nhận, tiếp thu ý kiến hợp pháp, hợp lý của người dân, nhất là việc TTCP đối thoại với người dân Thủ Thiêm, để có thể giải quyết dứt điểm những khiếu kiện tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, riêng đối với toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019).
Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi trên 44.580 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).
Có thể thấy trong năm 2020, Riêng ngành thanh tra đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó, công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm và đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong việc làm rõ các vụ việc dư luận quan tâm để xử lý theo pháp luật nghiêm minh, kịp thời được dư luận đánh giá cao, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém mà ngành thanh tra cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, đề ra giải pháp khắc phục.
Đó là, việc kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm, quản lý đoàn chưa chặt chẽ, có nhiều trường hợp tiêu cực trong tiến hành thanh tra, chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế,...
Có thể kể đến như việc cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" tại Vĩnh Phúc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 8 cán bộ, Đảng viên Thanh tra Bộ Xây dựng. Trong đó có 2 Đảng viên bị xử lý mức độ khai trừ khải Đảng.
Hay việc cử tri thắc mắc về việc chậm trễ trong công bố kết quả thanh tra giá điện, liên quan đến vấn đề giá điện cũng như kết quả thanh tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện...
Chú trọng công tác thanh tra, giải quyết đơn thư
Theo kế hoạch hướng dẫn xây dựng kế hoạch năm 2021 Thanh tra Chính phủ gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố, trong công tác thanh tra, TTCP sẽ tập trung hoàn thiện, ban hành kết luận các cuộc thanh tra trước và trong năm 2020 đã kết thúc. Thanh tra trách nhiệm việc thực hiên chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; việc thực hiện chính sách pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó tập trung thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đầu tư, mua sắm tài sản công...
Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của bộ; tập trung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; công khai kế hoạch thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.
Thanh tra tỉnh, thành phố triển khai thực hiện thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của Giám đốc Sở, và Chủ tịch UBND cấp huyện, trong đó tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, đơn thư tố cáo tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều ý kiến. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, ban ngành cấp tỉnh, trong đó cần tập trung vào những nội dung quan trọng, lĩnh vực xã hội quan tâm…
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, triển khai thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; khẩn trương triển khai thi hành những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng
Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…