Thanh tra - Nỗi đau chung
Câu chuyện này chỉ nhắc lại thôi. Đó là, sáng qua 8/7, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân về kết quả công tác quân sự, quốc phòng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Quốc phòng “phải tăng cường công tác thanh tra, điều tra, kiểm toán, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án phức tạp đúng pháp luật, không có vùng cấm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng”.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao có quyền năng “mở” tố tụng theo luật định. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có chức năng “kiểm toán” nội bộ, bởi đây là 2 Bộ “đặc biệt".
Thanh tra, kiểm tra nội bộ là gì? Thực chất, đó là một chức năng của lãnh đạo. Không có thanh tra, lãnh đạo, quản lý chưa đầy đủ. Chính vì thế, Thanh tra Trung ương có tên gọi là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành là cơ quan của Bộ trưởng và Thanh tra tỉnh/thành phố là cơ quan của UBND tỉnh. Thực chất sinh ra “bộ máy” này, cái chính, trọng yếu, căn bản là để xem xem chính sách, luật pháp có phù hợp với thực tiễn không, phát hiện những chỗ lạc hậu, khiếm khuyết để bổ sung... góp phần làm cho công tác hành chính, quản lý có tác dụng “kỹ trị”. Phát hiện sai sót, phòng chống tham nhũng chỉ là chức năng bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Không có thanh tra thì không có lãnh đạo, quản lý. Đáng tiếc một thời gian rất dài, chúng ta xem nhẹ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra. Cứ cán bộ chờ hưu, chờ kỷ luật hoặc các “chờ” khác thì đưa về thanh tra. Đã có thời Thanh tra Chính phủ chỉ có khoảng 120 người, nay đã là “Bộ” đông quân nhất trong số các bộ thuộc Chính phủ.
Đáng tiếc, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra thì vô cùng... đáng bàn.
Trở lại với lời huấn thị của Thủ tướng Chính phủ, ai cũng biết nếu Thanh tra Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân chủng... ý thức được trách nhiệm, chắc chắn đã không có tướng nọ, tướng kia bị kỷ luật như thời gian qua. Ngay cả Thanh tra Bộ Công an và Thanh tra 8 Tổng cục (khi chưa giải thể các Tổng cục) nếu làm đúng thẩm quyền, làm hết thẩm quyền, chắc chắn không xảy ra nỗi đau Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân (2 cựu Thứ trưởng), cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa... như thời gian qua.
Chưa nói đến công tác thanh tra nhà nước, thanh tra theo luật; nếu các “tư lệnh” ngành biết coi trọng công tác thanh tra, đặt đúng vị trí thanh tra, làm tốt công tác thanh tra công vụ... chắc chắn không xảy ra đau xót trong bộ máy nhà nước như thời gian qua. Hư hỏng, vi phạm pháp luật đến mức thành “củi” nhóm lò và đốt mãi không hết như hiện nay.
Bao giờ các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nhớ được rằng: để công tác lãnh đạo quản lý tốt hơn thì phải thanh tra, kiểm tra, trước hết trong nội bộ ngành? Ai cũng thuộc nhưng ai cũng quên. Đó là nỗi đau chung.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/thanh-tra-noi-dau-chung-460641.html