Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm, 37 người đứng đầu bị xử lý

TTCP đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý quyết liệt, đúng pháp luật nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng. 37 người đứng đầu đã bị xử lý.

Xử lý 37 người đứng đầu để xảy ra hành vi phạm nhũng

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra diễn ra chiều 12/1, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, ngành thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng.

So với nhiệm kỳ trước, số tiền phát hiện vi phạm tăng 134%, số tiền kiến nghị thu hồi tăng trên 83%, tỷ lệ thu hồi về tiền tăng trên 5,7 lần, số vụ việc và số đối tượng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý tăng lần lượt là trên 56% và trên 92%.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý quyết liệt, đúng pháp luật nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Điển hình như vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, các dự án, gói thầu liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du (Hà Nội)...

Báo cáo cũng nêu rõ, hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra đã được cải thiện rõ rệt. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra được thanh tra các địa phương quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực.

Năm 2020, toàn ngành đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.956 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 55 đơn vị có vi phạm; tiến hành 2.421 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 374 vụ việc với 482 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 74 tỷ đồng.

Đáng chú ý, qua thanh tra đã phát hiện xử lý 37 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, xử lý hình sự 6 người tại các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Tiền Giang và Trà Vinh; xử lý kỷ luật hành chính 33 người, trong đó có 4 người tại Quảng Bình và Thái Bình. Chuyển đổi vị trí công tác 8.733 cán bộ, công chức, viên chức.

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 34 vụ, với 37 người tại các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 18 vụ, với 28 người tại các tỉnh, thành: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Trị, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Vĩnh Long; qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 13 vụ, 14 người có hành vi liên quan đến tham nhũng tại Cần Thơ, Hà Giang, Hà Nam, Khánh Hòa, Kon Tum, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh.

Thông qua giải quyết khiếu lại tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 894 tỷ đồng, trên 107 ha đất; trả lại quyền lợi cho 993 người, kiến nghị xử lý hành chính 503 người, chuyển cơ quan điều tra lý 3 vụ, 3 đối tượng. Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020 giảm so với năm 2019.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Chú ý thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận xấu

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận toàn ngành thanh tra, với 40.000 người có nhiều thành tích nổi trội, đóng góp vào việc giữ gìn kỷ cương phép nước, tạo niềm tin cho nhân dân.

Trong xây dựng thể chế pháp luật, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Phòng chống tham nhũng, trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật này; đề xuất xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi. Đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 10 để chống tham nhũng vặt, một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, Chỉ thị số 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, sự tích cực triển khai giải quyết, nhất là đối với các vấn đề nổi cộm xã hội, đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Kết quả đạt được tích cực với số tiền phát hiện vi phạm tăng 134%, số tiền kiến nghị thu hồi tăng 83,4%, tỷ lệ thu hồi về tiền tăng trên 5,7 lần, số vụ việc và số đối tượng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý tăng lần lượt là 56,9% và 92,1% so với cùng kỳ...

 Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra.

Bên cạnh các thành tích, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế ngành thanh tra cần sớm khắc phục. Đó là một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, nhiều cuộc triển khai chậm so với kế hoạch. Kết quả đôn đốc, xử lý về thanh tra của các bộ, ngành, địa phương còn thấp. Một số vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành chưa thường xuyên.

Nhắc đến “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Thủ tướng đánh giá tình trạng này mới được ngăn chặn một bước. Ông cho rằng phải thanh tra đột xuất để giải quyết “tham nhũng vặt”, có thể lắp camera tại tất cả điểm giải quyết công việc, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch thanh tra sát, đúng, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chính trị ở địa phương, trong đó có việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm (2021-2026). Kế hoạch thanh tra năm 2021 được người đứng đầu Chính phủ định hướng là tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận xấu, chú ý thanh tra đột xuất. Việc thanh tra phải bảo đảm trọng tâm, hiệu quả.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời quán triệt “không thanh tra chồng chéo để tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh”.

Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng nêu rõ Thanh tra Chính phủ cần phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân phục vụ Đại hội XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.

Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thanh-tra-phat-hien-nhieu-sai-pham-37-nguoi-dung-dau-bi-xu-ly-1486015.html