Thanh tra phát hiện nhiều thiếu sót trong việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty thép Việt Nam

Vừa qua, Thanh tra chính phủ (TTCP) đã công bố Kết luận thanh tra (KLTT) việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công thương, chỉ ra hàng loạt thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa (CPH), thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Xác định chưa đúng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước hàng trăm tỷ đồng

Theo đó, trong thời kỳ thanh tra, Bộ Công thương đã nỗ lực tổ chức triển khai và chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp được giao. Giai đoạn 1.1.2011- 31.12.2017, Bộ Công thương đã thực hiện cổ phần hóa (CPH) và chuyển đổi 13 doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, đạt 65% số doanh nghiệp phải CPH.

Về cơ bản, nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp trọng tâm là CPH, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước giai giai đoạn 2011-2017 đã được Bộ Công thương, các Tập đoàn, Tổng công ty chú trọng thực hiện, cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thoái vốn hầu hết đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành.

Tuy nhiên, việc rà soát, tái cơ cấu còn chưa kịp thời, thiếu toàn diện, chưa khắc phục được tình trạng một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động kém hiệu quả, một số dự án đầu tư lớn lâm vào tình trạng trì trệ chậm tiến độ, khó khăn thua lỗ.

Theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 2219/TT-ĐMDN ngày 1.12.2011 và Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17.7.2012 Bộ Công Thương chưa thực hiện cổ phần hóa 9 Tổng công ty, Công ty theo đề án gồm: 2 Công ty trực thuộc Bộ là Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC; 7 Công ty thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về việc chưa hoàn thành nhiệm vụ CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trụ sở làm việc của Vnsteel (ảnh: Đỗ Anh)

Trụ sở làm việc của Vnsteel (ảnh: Đỗ Anh)

KLTT cũng chỉ rõ, một số vi phạm trong quá trình thực hiện CPH, thoái vốn tại Tổng công ty thép Việt Nam (Vnsteel).

Cụ thể, việc xác định giá trị doanh nghiệp tại Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ và Công ty Thép Miền Nam khi xác định giá trị doanh nghiệp CPH Vnsteel được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam (VVFC)

Qua kiểm tra việc xác định tỷ lệ chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị để xác định giá trị tài sản khi CPH Vnsteel cho thấy VVFC xác định tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của 127 máy móc thiết bị của Công ty Thép Miền Nam và Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ không đúng quy định, dẫn đến xác định giá trị tài sản không đúng, thiếu 344.700 triệu đồng (tạm tính).

Theo đó, Ban chỉ đạo CPH trình, Bộ Công Thương phê duyệt giá trị doanh nghiệp Vnsteel không đúng, dẫn đến xác định thiếu giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Vnsteel là 344,7 tỷ đồng. Trong đó, 92 máy móc thiết bị của Công ty Thép Miền Nam là 237,35 tỷ đồng và 35 máy móc thiết bị của Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ là 107,33 tỷ đồng.

KLTT chỉ rõ, trách nhiệm thuộc VVFC, Công ty Thép miền Nam, Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ; Tổng giám đốc, Kế toán trưởng Vnsteel; Ban chỉ đạo CPH Vnsteel, Bộ Công Thương.

Nguy cơ tiền của Nhà nước bị chiếm dụng trong thời gian dài

Theo KLTT, Vnsteel lập báo cáo tài chính kỳ kế toán cuối cùng của doanh nghiệp nhà nước từ ngày 1.1.2011 đến ngày 30.9.2011 (đã được kiểm toán), phần thuyết minh tại báo cáo tài chính có nội dung: “phải trả về cổ phần hóa là 583.917 triệu đồng" (gồm cả giá trị vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Giao nhận kho vận Ngoại thương Việt Nam mà Vnsteel được bàn giao quản lý trong năm 2010).

Đến tháng 4.2019, Vnsteel mới nộp Quỹ hỗ trợ sắp xếp và PTDN số tiền hơn 111 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 năm (tính đến thời điểm thanh tra tháng 9.2018), Vnsteel chưa hoàn thành việc quyết toán CPH, chưa thực hiện nộp tiền CPH vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và PTDN. Mặc dù việc chậm quyết toán có nguyên nhân khách quan do quy định của nhà nước về CPH thay đổi, dẫn đến phát sinh một số vướng mắc liên quan đến đất đai.

Tuy nhiên, các khoản phải nộp về CPH số tiền gần 584 tỷ đồng (theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán thời điểm chính thức chuyển sang cổ phần 30.9.2011) hầu như không liên quan đến vướng mắc đất đai hay sự thay đổi quy định về CPH. Do vậy việc Vnsteel chậm nộp tiền về CPH là sai quy định tại khoản 3, Điều 21 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, nguy cơ tiền phải nộp về CPH bị chiếm dụng trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, việc phân phối kết quả hoạt động SXKD của VNSteel giai đoạn từ 1.10.2011 đến 30.6.2018, tổng lợi nhuận sau thuế khoảng 876 tỷ đồng, trong khi cổ đông nhà nước nắm 93,93% vốn điều lệ chưa được chia cổ tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà nước.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm điểm và chỉ đạo, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến khuyết điểm vi phạm; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo, xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến khuyết điểm vi phạm được xác định tại KLTT theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp chấn chỉnh đối với các công ty tư vấn thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp có khuyết điểm vi phạm.

Đỗ Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-ban-chi-dao/thanh-tra-phat-hien-nhieu-thieu-sot-trong-viec-co-phan-hoa-thoai-von-nha-nuoc-tai-tong-cong-ty-thep-viet-nam--i340225/