Thanh tra tài chính thu nộp ngân sách hơn 8.000 tỷ đồng từ từ xử lý sai phạm

Nửa đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ thực hiện 31.579 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 43.029,5 tỷ đồng và thu nộp ngân sách 8.380,3 tỷ đồng...

Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra thuế là hơn 37.000 tỷ đồng.

Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra thuế là hơn 37.000 tỷ đồng.

Thông tin tại hội nghị sơ kết công tác thanh tra tài chính cho thấy trong nửa đầu năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và kiến nghị xử lý tài chính 2.964,9 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 2.759,9 tỷ đồng; nộp các quỹ 56,9 tỷ đồng; giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 50,4 tỷ đồng; giảm lỗ 19,6 tỷ đồng; kiến nghị khác 76,6 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ thực hiện 31.579 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 43.029,5 tỷ đồng. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ 8.380,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, căn cứ biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về kế toán, lĩnh vực giá của Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Cục Quản lý Giá, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Bộ kịp thời ban hành 36 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 1.572,5 triệu đồng.

Về lĩnh vực thuế, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống thuế thực hiện 29.616 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 37.494 tỷ đồng.

Trong đó, tiền truy thu, truy hoàn là 5.932 tỷ đồng; giảm lỗ là 28.060 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.065 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành 26.818 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2.436 tỷ đồng. Số tiền nộp ngân sách nhà nước (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 6.092 tỷ đồng.

Toàn ngành thuế thực hiện 384 cuộc kiểm tra nội bộ, trong đó thực hiện theo kế hoạch 352 cuộc, đột xuất 32 cuộc tại 428 đơn vị. Số đơn vị phát hiện vi phạm là 38 đơn vị, số tiền thuế vi phạm là 13.733 triệu đồng, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 10.756 triệu đồng. Số cán bộ thuế vi phạm phát hiện qua kiểm tra bị kiến nghị xử lý hành chính là 146 người; xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 124 người.

Trong lĩnh vực hải quan, về công tác thanh tra chuyên ngành, toàn hệ thống hải quan thực hiện 81 cuộc gồm 63 cuộc trong kế hoạch thanh tra và 18 cuộc đột xuất. Qua thanh tra phát hiện và kiến nghị truy thu là 68 tỷ đồng; ban hành 34 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 10 tỷ đồng. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 126 tỷ đồng, bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính...

Trong lĩnh vực kho bạc, dự trữ nhà nước, chứng khoán cũng triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra được phê duyệt.

Về công tác quản lý và giám sát bảo hiểm, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm triển khai 1 cuộc thanh tra thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023.

Bên cạnh đó, từ những phát sinh của thị trường mua và chi trả bảo hiểm tự nguyện thời gian qua, Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tăng cường công tác kiểm tra giám sát với các công ty bảo hiểm, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải rà soát lại tổng thể các quy trình bán hàng và thẩm định các dịch vụ khách hàng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, đặc biệt là công khai thông tin liên quan tới nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm nhằm hỗ trợ khách hàng hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm tham gia, bảo đảm sự công khai, minh bạch...

Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra tài chính trong nửa cuối năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đưa ra phương hướng thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 được phê duyệt; bố trí lực lượng, tổ chức triển khai có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 và những nhiệm vụ đột xuất được giao; bố trí lực lượng dự phòng trong trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo bộ.

Cùng với đó, thực hiện tốt cơ chế giám sát đoàn thanh tra để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa Thanh tra Bộ với các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ trong việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra.

Thực hiện tốt công tác tiếp dân, nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch về kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiếm, chống lãng phí...

Tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời các sai phạm khi mới bắt đầu phát sinh. Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo giữa Thanh tra Bộ với các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ đối với các cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng nhằm đánh giá toàn diện về cơ chế chính sách được ban hành và hiệu quả phát huy trong thực tiễn.

Trâm Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-tra-tai-chinh-thu-nop-ngan-sach-hon-8-000-ty-dong-tu-tu-xu-ly-sai-pham.htm