Thanh tra việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3552/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch thanh tra năm 2025. Theo kế hoạch thanh tra năm 2025 của Bộ Y tế sẽ gồm có 30 cuộc thanh tra, trong đó có cuộc thanh tra việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Mục đích đặt ra của kế hoạch này là đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về y tế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.

Trong 30 cuộc thanh tra có 3 cuộc liên quan đến lĩnh vực dân số. Cụ thể là thanh tra việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, các quy định của pháp luật để bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên; việc thực hiện đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản đến năm 2030”; việc thực hiện “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030".

Đối với lĩnh vực y tế dự phòng có 5 cuộc thanh tra, gồm: Thanh tra về bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn sinh học phòng xét nghiệm và tiêm chủng tại một số cơ sở y tế, quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế dự phòng, công tác kiểm dịch y tế biên giới và hoạt động tiêm chủng.

Về lĩnh vực khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế có 6 cuộc, gồm: Thanh tra trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; công tác quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế có 6 cuộc, gồm: Thanh tra công tác tiếp nhận, thẩm định cấp chứng nhận hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược…; quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc và thuốc kiểm soát đặc biệt; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế.

Riêng với lĩnh vực an toàn thực phẩm có 2 cuộc, gồm: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại một số tính, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngoài ra, thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng và tiếp dân, xử lý đơn thư có 6 cuộc và 2 cuộc xử lý sau thanh tra.

Bộ Y tế yêu cầu các cuộc thanh tra bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật trong việc tiến hành thanh tra, sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về y tế. Tiến hành thanh tra không cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh nhiệm vụ chung của Kế hoạch thanh tra là tham mưu Bộ Y tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra y tế và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, tổ chức phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về y tế, thanh tra y tế; tập huấn nghiệp vụ thanh tra về các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, dân số; dược, trang thiết bị y tế; tài chính, ngân sách, phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và tham dự các Hội nghị, Hội thảo của các đơn vị có liên quan.

Tổ chức thanh tra để phát hiện các sai phạm, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách pháp luật, từ đó kịp thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế; phát hiện các nhân tố tích cực để phát huy, thực hiện phương châm phòng ngừa, đồng thời phát hiện xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có). Tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc do yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc theo chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền...

Minh Lý

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thanh-tra-viec-thuc-hien-quy-dinh-ve-nghiem-cam-lua-chon-gioi-tinh-thai-nhi-460864.html