Thanh Trì - khu vực phát triển đô thị trung tâm của Hà Nội

Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã giúp Thanh trì có vị thế mới và là thời cơ thuận lợi để huyện thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Huyện Thanh Trì nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hữu Duyên)

Huyện Thanh Trì nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hữu Duyên)

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Trước khi thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Thanh Trì là huyện nằm ở cửa ngõ phía Nam trung tâm thành phố Hà Nội có 15 xã và 1 thị trấn; giáp ranh quận Hoàng Mai, Thanh Xuân và hai tỉnh Hưng Yên, Hà Tây.

Sau khi mở rộng địa giới thủ đô, huyện trở thành khu vực phát triển đô thị trung tâm của thành phố, nhiều dự án lớn của thành phố được triển khai xây dựng, hệ thống hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện với các tuyến đường vành đai, đường cao tốc, nhiều chung cư, nhà cao tầng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng...

15 năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức song được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Thành phố, phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, kế thừa và phát triển kết quả, kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, vận dụng sáng tạo và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, Đảng bộ huyện Thanh Trì đã cụ thể hóa Nghị quyết XXIII Đảng bộ Huyện thành 5 Chương trình công tác toàn khóa để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động, hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Đại hội đề ra.

Nghị quyết 15 đã giúp Thanh trì có vị thế mới và là thời cơ thuận lợi để huyện thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Sau 15 năm thực hiện nghị quyết, kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các hoạt động thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 tiếp đà phát triển; các vùng sản xuất tập trung phát huy hiệu quả.

Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán thành phố giao, năm sau cao hơn năm trước đảm bảo đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Công tác quản lý quy hoạch, đô thị, đất đai, giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả nhất định.

Hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung đầu tư, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển huyện thành quận theo lộ trình.

Các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động trở lại, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của thành phố và huyện. Công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 diễn ra an toàn, được Ban Tổ chức Đại hội Trung ương đánh giá cao, tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được đảm bảo; Các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời, chính xác, đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện tốt, đến nay trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2022-2025. Chất lượng giáo dục được duy trì. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu được nâng cao.

Chỉ số cải cách hành chính của huyện được duy trì và nâng dần thứ bậc xếp hạng; năm 2020,2021 xếp thứ 6/30, năm 2022, xếp thứ 5/30 quận, huyện.

Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia - chùa Thanh Lan, nằm ở vị trí xóm 7, xã Yên Mỹ, Thanh Trì. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô)

Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia - chùa Thanh Lan, nằm ở vị trí xóm 7, xã Yên Mỹ, Thanh Trì. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô)

“Về đích” sớm nông thôn mới

Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao gắn với phát triển huyện thành quận, xã thành phường được Thanh Trì triển khai tích cực.

Với phương châm “Vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, ngay từ những ngày đầu xây dựng NTM, huyện Thanh Trì đã phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng nhiều phong trào thi đua nhằm phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của các tầng lớp Nhân dân và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông NTM.

Nhờ đó, đến cuối năm 2015, 15/15 xã của huyện được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tháng 9.2017, huyện Thanh Trì được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đến năm 2021, Thanh Trì có thêm xã Liên Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2022, huyện chỉ đạo quyết liệt 14 xã còn lại triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện những tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.

Và năm 2023, 15/15 xã thuộc huyện được công nhận chuẩn NTM nâng cao, “về đích” trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao). Huyện có 84 sản phẩm OCOP, trong đó 52 sản phẩm đạt 4 sao (chiếm tỷ lệ 62%) và 32 sản phẩm đạt 3 sao.

Quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung về giao thông và kinh tế - xã hội. Theo đó, huyện đã bố trí trên 2.000 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông; trên 2.300 tỷ đồng thực hiện 102 dự án hạ tầng văn hóa - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển dịch vụ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Nhờ đó, Thanh Trì đã trở thành huyện đứng top đầu của thành phố trong xây dựng NTM nâng cao. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng để địa phương tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh, nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Cầu Thanh Trì. (Ảnh: An Khánh)

Cầu Thanh Trì. (Ảnh: An Khánh)

Quyết tâm, đồng lòng

Trong giai đoạn tới, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 15, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, thời gian còn lại của năm, huyện Thanh Trì phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023, hoàn thành phê duyệt Đề án huyện phát triển thành quận.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực về phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, 5 năm 2021- 2025. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm kinh tế huyện phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước theo quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Tập trung chỉ đạo huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng tiêu chí phát triển huyện thành quận.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đảm bảo an sinh xã hội, từng bước cải thiện nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa-xã hội. Giữ vững an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Với sự quyết tâm, đồng lòng, đồng sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, có lý do để tin rằng, Thanh Trì sẽ hoàn thành những mục tiêu đề ra và tiếp tục bứt phá đi lên.

Thanh Trì đặt mục tiêu xây dựng và phát triển huyện trở thành quận vào năm 2025 theo hướng giàu đẹp, văn minh. Để đạt được mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án để thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành tốt một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025 đạt 13,2%/năm.

Đoàn Vũ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-tri-khu-vuc-phat-trien-do-thi-trung-tam-cua-ha-noi-245035.html