Thanh Trì: Nhiều người qua tuổi lao động vẫn có nhu cầu học nghề

Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, trên địa bàn huyện hiện nay có nhiều người dù đã quá độ tuổi lao động nhưng vẫn đang là người lao động, có nhu cầu học nghề để nâng cao kiến thức, trình độ áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh nhưng lại không thuộc đối tượng hỗ trợ học nghề theo quy định.

Thanh Trì là một huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, do vậy nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm của người dân tăng, trong khi đó, các chương trình đào tạo nghề chủ yếu là ngắn hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cho biết, thực tế triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Thanh Trì hết sức thực chất, tuyệt đối không có kiểu “đánh trống ghi tên”. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn, có thu nhập, nâng cao đời sống, đồng thời cũng đáp ứng phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động và góp phần từng bước chuyển dịch lao động nông thôn sang các ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ.

Diện tích đất nông nghiệp ở Thanh Trì đang dần bị thu hẹp (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Diện tích đất nông nghiệp ở Thanh Trì đang dần bị thu hẹp (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Tuy nhiên, bà Huyền cũng nêu ra một số khó khăn vướng mắc trong đào tạo nghề nông thôn, đó là vẫn còn có những đơn vị theo dõi, quản lý đối tượng được đào tạo có lúc chưa chặt chẽ nên số lượng học viên theo học chưa đều, ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian tổ chức đào tạo.

Ở một số nơi, công tác tuyên truyền vận động, tư vấn nghề nghiệp đối với người lao động nông thôn để người lao động tham gia học nghề, tạo việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế.

Theo bà Huyền, hiện nay tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, do vấn nạn thực phẩm bẩn, việc lựa chọn nghề để triển khai học nghề cho nông dân cho phù hợp với nhu cầu thị trường và có hiệu quả đang là vấn đề khó khăn trong tổ chức thực hiện của huyền và cơ sở.

Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều người dù đã quá độ tuổi lao động nhưng vẫn đang là người lao động, có nhu cầu học nghề để nâng cao kiến thức, trình độ áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh nhưng lại không thuộc đối tượng hỗ trợ học nghề theo quy định.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thanh-tri-nhieu-nguoi-qua-tuoi-lao-dong-van-co-nhu-cau-hoc-nghe-98569.html