Thành trì Samsung từ bỏ, giắc cắm tai nghe sẽ biến mất trên smartphone
Với việc 'thành trì' cuối cùng Samsung đã loại bỏ cổng cắm tai nghe 3,5 mm trên bộ đôi sản phẩm mới nhất Galaxy Note10 và Note10+, đã đến lúc giắc cắm tai nghe lui vào dĩ vãng.
Sau 4 thập kỷ phổ biến toàn cầu, giắc cắm tai nghe 3,5mm có thể được xem như đã bị khai tử bởi Apple và kết liễu bởi Samsung.
Khởi đầu cùng những huyền thoại âm thanh
Cổng âm thanh analog bắt đầu trở nên phổ biến rộng rãi và được đông đảo mọi người sử dụng kể từ khi Walkman, một dòng máy nghe nhạc nổi tiếng của hãng Sony, ra đời vào năm 1979.
Máy nghe nhạc băng cassette di động - với việc cung cấp đến 2 giắc cắm tai nghe 3,5 mm giúp 2 người có thể chia sẻ âm thanh cùng lúc - ngay lập tức tạo nên thành công. Đồng sáng lập Sony, Masaru Ibuka đã tạo ra Walkman từ phiên bản gốc năm 1977 của Sony Pressman, một loại máy ghi âm nhỏ gọn dành cho những nhà báo.
Tuy nhiên, loại giắc cắm tai nghe nhỏ gọn không được bắt nguồn từ Walkman. Trớ trêu thay, nó lại bắt đầu với những chiếc điện thoại. Giắc cắm 0,25 inch - vốn được biết đến với các tên gọi như giắc cắm điện thoại, giắc cắm âm thanh hay chỉ đơn giản là giắc cắm - từng được sử dụng để kết nối những đường dây điện thoại trong các tổng đài ở thế kỷ 19.
Bằng sáng chế đầu tiên cho loại giắc cắm này được mô tả như cổng kết nối với tên gọi “jack-knife”, sau đó được rút gọn thành “jack” đã được trao vào năm 1985 cho C.E. Scribner. Kể từ đó, tiêu chuẩn cho giắc cắm đã được hoàn hiện và nhiều biến thể của nó đã liên tục ra đời.
Đến thập niên 1950, phiên bản 3,5 mm được phát minh cho máy thu radio cầm tay nhỏ sử dụng mạch dựa trên bóng bán dẫn trước khi được Sony phổ biến trên sản phẩm radio Sony EFM-117J.
Thế nhưng, mãi cho đến khi Walkman ra đời thì giắc cắm 3,5 mm mới thực sự trở nên phổ biến. Trong vài thập kỷ, loại giắc cắm này đã trở thành một niềm mong ước với hầu hết mọi người. Người dùng bắt đầu chạy cùng nó, nhảy với nó và thậm chí đi ngủ cũng có nó.
Tiếp đến, sự ra đời của các loại máy nghe nhạc và tai nghe sử dụng nó tiếp tục làm cho giắc cắm 3,5 mm ngày càng trở nên thịnh hành. Trong suốt thập niên 80 và 90, các thiết bị này đã trở nên phổ biến đến mức trở thành một từ chung để mô tả những máy nghe băng cassette di động.
Đỉnh cao chói lọi cùng "ngôi vương" không đối thủ
Năm 2001, dòng Walkman bị đánh bại bởi một thiết bị đã bán tới 390 triệu đơn vị lúc ấy, Apple iPod. “Hàng nghìn bài hát trong túi quần của bạn” chính là cách mà CEO huyền thoại Steve Jobs và đội ngũ chiến dịch quảng cáo mô tả về iPod.
Giắc cắm tai nghe analog vẫn có vị trí nhất định trong cuộc chuyển biến lịch sử này mặc dù mặc dù iPod là một thiết bị digital (kỹ thuật số) thuần túy với khả năng lưu trữ các bài hát trong ổ cứng và cho phép phát theo yêu cầu người dùng ngay lập tức.
Năm 2010, Walkman chính thức bị “khai tử” nhưng giắc cắm tai nghe vẫn còn “sống” tốt trên những thiết bị nghe nhạc phổ biến nhất. Thậm chí, các tai nghe dạng nhét tai màu trắng, biểu tượng của iPod cũng mang đậm dấu ấn của nó bằng ngạnh kim loại dày 3,5 mm quen thuộc.
“Triều đại” của giắc cắm vẫn tỏ ra không có đối thủ trong vài năm tiếp theo. Với thành công của iPod, Apple “thừa thắng xông lên” và tiếp tục tạo ra một cuộc cách mạng bằng một thiết bị khác.
Ngày 29/6/2007, cả ngành công nghiệp điện thoại bị "chấn động” bởi sự ra mắt của iPhone - vừa là một trình duyệt web, một bản đồ kỹ thuật số, một máy nghe nhạc và tất nhiên, có cả sự xuất hiện hiện của giắc cắm tai nghe 3,5 mm.
iPhone kể từ khi được ra mắt đã bán được 2,2 tỷ chiếc và phần lớn những chiếc điện thoại được bán ra đều đi kèm với giắc cắm tai nghe 3,5 mm. Không chỉ iPhone, tất cả các đối thủ lần lượt ra đời sau đó, dù là được Samsung, Motorola, Nokia, Huawei, Xiaomi hay bất kỳ ai sản xuất, đều có sự xuất hiện của một giắc cắm tai nghe trên thiết bị.
Đỉnh cao nhờ Apple, kết thúc cũng bằng "táo khuyết"
Giắc cắm 3,5 mm tiếp tục duy trì sự “độc bá” của mình cho đến khi mọi chuyện thay đổi vào năm 2016, thời điểm Apple chính thức từ bỏ giắc cắm bắt đầu từ mẫu iPhone 7. Sự thay đổi từ giắc cắm tai nghe sang cổng Lightning đối diện khá nhiều sự “ném đá” và cho rằng nó sẽ thất bại nặng nề.
Tuy nhiên, các phụ kiện sử dụng cổng Lightning đã trở thành thứ bán chạy nhất của Apple. Năm 2016 cũng đánh dấu cột mốc ra đời của AirPods và trở nên phổ biến toàn cầu với doanh số 35 triệu chiếc chỉ trong năm 2018.
Sự thay đổi của Apple cũng đã khởi đầu cho “cái kết” của giắc cắm tai nghe. Apple đã chứng minh cho phần còn lại của ngành công nghiệp điện thoại rằng một viễn cảnh không có cổng 3,5 mm là hoàn toàn khả thi.
Hàng loạt nhà sản xuất tiếp bước Apple. Huawei loại bỏ giắc cắm tai nghe trên dòng điện thoại P20 mặc dù P30 Pro đã mang nó trở lại sau đó. Xiaomi cũng “khai tử” giắc 3,5 mm trên hầu hết mẫu điện thoại của hãng, bao gồm cả phân khúc cao cấp và tương tự đó là Oppo cùng Sony.
Như vậy, 4 trong số 5 nhà sản xuất điện thoại lớn nhất đều đã từ bỏ hoặc bắt đầu loại bỏ dần tiêu chuẩn giắc cắm này.
“Thành trì” cuối cùng của giắc cắm tai nghe và cũng là cái tên duy nhất đứng ngoài xu thế mới của giới công nghệ đến từ Hàn Quốc với thương hiệu Samsung.
CEO của hãng, DJ Koh từng cho biết họ sẽ không đời nào từ bỏ giắc cắm tai nghe. Thậm chí, “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc còn chế giễu sản phẩm của Apple là iPhone về sự thiếu sót giắc cắm tai nghe bằng một câu hỏi: Liệu người dùng có sẵn sàng chi số tiền gần 1.000 USD cho một chiếc điện thoại mà không có cổng âm thanh ?
Tuy nhiên, thực tế là Samsung sau đó đã phải thử nghiệm những thử nghiệm loại bỏ giắc cắm tai nghe trên điện thoại. Hãng bắt đầu thử nghiệm “tính năng” này trên phân khúc tầm trung với sản phẩm Galaxy A8 được ra mắt tháng 12/2017.
Cuộc thử nghiệm thành công mỹ mãn và thậm chí theo một báo cáo từ tạp chí Business Korea tháng 3/2018, Galaxy A8 còn “nuốt chửng” doanh số của Galaxy S9.
Từ biệt giắc cắm tai nghe
Chính sự thành công ấy đã khiến “gã khổng lồ” Hàn Quốc đi đến quyết định loại bỏ giắc cắm 3,5 mm. Bộ đôi “siêu phẩm” mới nhất của hãng, Galaxy Note10 và Note10+ đã chính thức loại bỏ cổng cắm tai nghe 3,5 mm.
Vẫn còn một số sự tranh cãi về “cái chết” hoàn toàn của giắc cắm 3,5 mm. Tất nhiên, cổng kết nối này vẫn sẽ được giữ lại trên các thương hiệu nhỏ trong một khoảng thời gian nữa kèm theo đó là những chiếc máy tính để bàn.
Doanh số của các thiết bị tai nghe và loa không dây tăng trưởng vũ bão với ước tính sẽ đạt 401 tỷ USD trong năm 2019. Dù muốn hay không, có lẽ phải thừa nhận một sự thật rằng giắc cắm tai nghe 3,5 mm đã đến lúc phải nhường lại “ngôi vị” của mình.
Phần lớn người dùng trên toàn thế giới có nhu cầu sử dụng điện thoại di động để nghe nhạc. Samsung, “thành trì” cuối cùng hỗ trợ cổng tai nghe tiêu chuẩn analog đã sụp đổ. Dù theo cả hướng tiêu cực hay tích cực, mọi người có thể cảm nhận rằng đã đến lúc kết thúc “kỷ nguyên” đã kéo dài hàng thập kỷ của giắc cắm tai nghe.