Thành tựu khoa học và công nghệ góp phần kiến tạo tương lai

Thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam (18-5), ngành KH-CN Sóc Trăng đồng hành cùng các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp tỉnh và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Đối với lúa đặc sản, việc ứng dụng các tiến bộ KH-CN để chọn tạo giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy nâu; lai tạo và chọn các giống lúa thơm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh được quan tâm lâu dài và phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, các nhóm nghiên cứu, hợp tác quốc tế. Các giống lúa này là nguồn vật liệu phục vụ công tác lai tạo ra các giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao, có khả năng thương mại tốt và đã có những giống tạo được dấu ấn đặc biệt như ST24 và ST25. Sở KH-CN cũng đã phối hợp với địa phương thực hiện Dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị” dùng cho sản phẩm gạo Tài nguyên của huyện Thạnh Trị, góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm và khôi phục, mở rộng vùng nguyên liệu.

Về rau, màu, Sóc Trăng đã và đang đầu tư xây dựng các nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, các quy trình sản xuất tiên tiến... vào các mô hình sản xuất rau nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các loại rau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tỉnh đã kết hợp với hệ thống điều khiển tự động, thiết bị giám sát nhiệt độ, ẩm độ qua internet để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ rau an toàn tại tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, toàn tỉnh có 110 nhà lưới, nhà màng với diện tích là 6ha. Diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP là 20,95ha.

Mô hình trồng hành tím theo hướng hữu cơ trong nhà lưới tại TX. Vĩnh Châu.

Mô hình trồng hành tím theo hướng hữu cơ trong nhà lưới tại TX. Vĩnh Châu.

Để nâng cao chuỗi giá trị hành tím, tỉnh đã triển khai nghiên cứu 7 quy trình để sản xuất 7 sản phẩm từ hành tím an toàn. Đồng thời, đã nghiên cứu, phân tích các thành phần tạo nên đặc trưng của củ hành tím được trồng tại TX. Vĩnh Châu để làm cơ sở xây dựng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh. Ngày 28-5-2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2665/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00075 cho sản phẩm hành tím Vĩnh Châu. Đây là cơ sở để phát huy lợi thế, tăng sức cạnh tranh trên thị trường cũng như khẳng định danh tiếng của hành tím Vĩnh Châu.

Về cây ăn trái, với kết quả thực hiện đề tài “Khảo sát sự phân bố và gây hại của sâu đục trái trên cây có múi (Citripestis sagittiferella Moore) và đề xuất quy trình phòng trừ loại sâu này tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng” đã xây dựng được quy trình phòng trừ sâu đục trái trên cây bưởi. Từ quy trình này, các nhà vườn đã chủ động áp dụng biện pháp phòng trừ sâu đục trái trên cây bưởi, phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, giúp giảm được số lần phun thuốc so với trước đây, giải quyết vấn đề sâu đục trái gây ra và tăng lợi nhuận.

Tỉnh đang nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ mãng cầu gai. Hiện nay, đã xây dựng được quy trình chế biến 5 sản phẩm từ mãng cầu gai; đồng thời, đã chuyển giao cho Công ty TNHH Cẩm Thiều để sản xuất các sản phẩm.

Công bố chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng.

Công bố chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng.

Về thủy sản, các nhiệm vụ KH-CN đã tập trung vào việc nghiên cứu hoàn thiện các mô hình áp dụng tiến bộ KH-CN mới hướng tới mục tiêu nuôi trồng, khai thác thủy hải sản bền vững, dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Kết quả các dự án hoàn thiện quy trình nuôi artemia thâm canh trên ruộng muối, đầu tư nghiên cứu quy trình nuôi artemia ở độ mặn thấp theo chế độ dinh dưỡng cải tiến tại TX. Vĩnh Châu, xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trứng bào xác artemia Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng đã làm cơ sở cho việc mở rộng diện tích nuôi, ổn định năng suất, tăng sản lượng trứng bào xác, sinh khối artemia, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân.

Mô hình nuôi cá bông lau thương phẩm trong ao đất bằng cá giống nhân tạo được đánh giá tốt và bước đầu nhân rộng. Hỗ trợ ngư dân dự án thực hiện hầm bảo quản sản phẩm hải sản trên tàu cá bằng vật liệu PU (Polyurethane) 2 hầm trên tàu khai thác xa bờ và 1 hầm trên tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Từ hiệu quả của dự án, đến nay đã có 8 ngư dân đầu tư lắp đặt thêm 62 hầm PU trên 18 chiếc tàu cá khai thác hải sản xa bờ.

Bên cạnh đó, với sự phối hợp của Trường Đại học Cần Thơ, các viện, trường cùng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh đã thực hiện lắp đặt vận hành các hệ thống giám sát, điều khiển tự động ao nuôi tôm ở Cù Lao Dung, TX. Vĩnh Châu dựa trên nền tảng kết nối internet, giúp hỗ trợ các hợp tác xã, nông hộ tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng giá trị sản phẩm.

Về y tế, giáo dục, tỉnh đã và đang triển khai các nhiệm vụ: Đánh giá hiệu quả phục hồi vận động sau đột quỵ bằng thể châm cải tiến kết hợp tái học hỏi vận động; nghiên cứu, sưu tầm được 270 bài thuốc y học cổ truyền hiện đang được sử dụng ở tỉnh Sóc Trăng để điều trị bệnh, trong đó có 2 bài thuốc nam điều trị đái tháo đường và thoái hóa khớp gối đã qua quá trình khảo sát, đánh giá hiệu quả điều trị; xây dựng mô hình giáo dục tích hợp STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics) cho học sinh phổ thông ở tỉnh Sóc Trăng.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã giúp doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nhằm tăng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từng bước được các doanh nghiệp quan tâm. Tỉnh đã xây dựng và bảo hộ các nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể như: hành tím Vĩnh Châu, atermia Vĩnh Châu, gạo Tài nguyên Thạnh Trị, gạo ST, chỉ dẫn địa lý cho hành tím Vĩnh Châu… Đây là xu hướng tích cực cho sự phát triển nhãn hiệu hàng hóa của tỉnh trở thành thương hiệu nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong quá trình hội nhập kinh tế.

Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng”, từ kinh phí sự nghiệp KH-CN, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 71 doanh nghiệp, đơn vị xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy; tự công bố sản phẩm hàng hóa theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 2-2-2018; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025 với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,4 tỉ đồng.

Sở KH-CN tổ chức cho doanh nghiệp tham quan Khu trưng bày các sản phẩm của Khối Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN vùng đồng bằng sông Cửu Long và Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Trong thời gian tới, ngành KH-CN Sóc Trăng tập trung các nguồn lực triển khai những nhiệm vụ trọng tâm sau: Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu KH-CN vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN, áp dụng những thành tựu mới về KH-CN, đặc biệt là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất và đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh, đồng thời tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH-CN tiếp cận chuỗi giá trị sản phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh việc khai thác sử dụng các kết quả KH-CN, ứng dụng tiến bộ KH-CN phù hợp vào phát triển nông nghiệp, công nghiệp và các lĩnh vực khác, từng bước ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn. Hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ, sản xuất sản phẩm mẫu, thử nghiệm sản phẩm thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa...

Đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ tại địa phương; đào tạo, nâng cao năng lực về quản trị tài sản cho doanh nghiệp. Làm cho tài sản trí tuệ trở thành tài sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp KH-CN, doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; các sản phẩm thuộc Đề án OCOP.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh liên kết trong và ngoài nước về KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong mối liên kết khai thác lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vũ Hiếu Đông

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/thanh-tuu-khoa-hoc-va-cong-nghe-gop-phan-kien-tao-tuong-lai-37153.html