Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn Đảng bộ Thành phố

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 42 -CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn Đảng bộ TP Hà Nội, xây dựng, phát triển Thủ đô thông minh và triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng.

Theo nội dung Chỉ thị số 42 -CT/TU, thời gian qua, công cuộc chuyển đổi số của TP Hà Nội bước đầu có nhiều sự chuyển biến tích cực với những hiệu quả rõ rệt. Các cơ quan Đảng, đoàn thể đã tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng các hệ thống thông tin dùng chung, tăng cường thí điểm các sản phẩm mới, công nghệ mới để giải quyết các bài toán khó trong hoạt động của các cơ quan theo hướng tập trung, thống nhất, ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại bước đầu đạt kết quả tốt.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh là trách nhiệm, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Đồng thời coi chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển nhanh, bền vững; chuyển đổi số toàn xã hội với 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), 2 nền tảng (dữ liệu số, văn hóa số).

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng của TP Hà Nội thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: các quy chế, quy định, hướng dẫn triển khai chuyển đổi số chưa được ban hành đồng bộ dẫn tới công tác triển khai tại các đơn vị còn lúng túng, chậm trễ, ảnh hưởng nhiều tới kết quả chuyển đổi số; nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị còn yếu và thiếu, trong khi khối lượng công việc về chuyển đổi số ngày càng nhiều, mức độ phức tạp và yêu cầu ngày càng cao dẫn tới việc triển khai chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số hệ thống thông tin trên mạng thông tin diện rộng của Đảng còn triển khai chưa thực sự hiệu quả, nhiều ứng dụng không liên thông được với các ứng dụng dùng chung của cơ quan chính quyền TP dẫn tới khó khăn trong công tác khai thác, sử dụng và xử lý dữ liệu; ngân sách cho chuyển đổi số triển khai theo phân cấp, nhiều đơn vị chưa kịp thời bổ sung, thay thế hạ tầng, thiết bị đã cũ, hỏng, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng.

Lãnh đạo TP Hà Nội tham dự hội nghị về công tác triển khai các ứng dụng chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội TP.

Lãnh đạo TP Hà Nội tham dự hội nghị về công tác triển khai các ứng dụng chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội TP.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số của Thủ đô trong thời kỳ mới, thực hiện có hiệu quả Đề án Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, đặc biệt là quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời cụ thể hóa Quyết định số 204-QĐ/TW, ngày 29/11/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng phê duyệt Đề án Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng. Nhằm tạo động lực đổi mới, chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, thực chất, nâng cao chất lượng trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phong cách công tác, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Đảng.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội toàn TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong chuyển đổi số.

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc cần tập trung thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chiến lược. Trong đó, cần tập trung tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và đảng viên về nội dung, yêu cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi số, coi công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng tại cơ quan, đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cấp ủy để đẩy mạnh chuyển đổi số thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Lãnh đạo TP Hà Nội tham quan mô hình số hóa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.

Lãnh đạo TP Hà Nội tham quan mô hình số hóa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.

Triển khai có hiệu quả Đề án Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng. Đồng thời bám sát nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyến đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Thường vụ Thành ủy; xây dựng kể hoạch triển khai, dự toán và bảo đảm kịp thời, đủ kinh phí đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị đầu cuối, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, hướng dẫn của T.Ư, thuê đường truyền kết nối mạng đến các cấp huyện, xã và tương đương. Phát triển phần mềm đặc thù, số hóa văn bản, tài liệu nghiệp vụ; thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức đảng ở địa phương. Tổ chức khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và các phần mềm nghiệp vụ của cơ quan đảng đúng quy định, hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số tạo sự chuyển biến trong hành động của các cấp ủy Đảng và từng đảng viên để đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số; có kế hoạch phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao để tham mưu, thực hiện chuyển đổi số...

Bảo đảm an toàn, bảo mật trong chuyển đổi số. Mỗi tổ chức Đảng và đảng viên cần thực hiện các giải pháp tăng cường nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về an toàn thông tin và chuyển đổi số. Các hệ thống thông tin của mỗi đơn vị cần phải được kiểm tra và xây dựng với cấp độ an toàn phù hợp. Xây dựng và triển khai các chính sách, quy trình, quy định về quản lý dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu nhạy cảm. Tăng cường thông tin và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người về an toàn thông tin và những mối đe dọa tiềm ẩn liên quan đến an ninh mạng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị; các cấp ủy đảng xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm có trọng tâm, trọng điểm đối với chuyển đổi số, nhằm kiểm điểm, nhắc nhỏ, góp ý kịp thời. Nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy chế kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chuyển đổi số. Tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số.

Chỉ thị cũng yêu cầu, TP tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện nhiệm vụ này; quan tâm bố trí nguồn lực đảm bảo cho công tác chuyển đổi số. Thể chế hóa trách nhiệm; tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nội dung chỉ thị trên địa bàn toàn TP. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa kế hoạch để triển khai trong toàn TP. Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện chỉ thị, gắn với xây dựng các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực và hiệu quả. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình, kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Các Ban đảng, Văn phòng Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể hóa và thực hiện Chỉ thị. Văn phòng Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ban Thường vụ Thành ủy trong việc chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị. Định kỳ hằng năm báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện. Tham mưu công tác sơ kết, tổng kết toàn TP; đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chỉ thị. Ủy ban kiểm tra Thành ủy có trách nhiệm hướng dẫn việc giám sát, kiểm tra, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm chỉ thị này.

Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, các sở, ban, ngành TP tổ chức tuyên truyền, quán triệt, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của chỉ thị để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu và nghiêm túc thực hiện.

Trần Long

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thanh-uy-ha-noi-ban-hanh-chi-thi-ve-day-manh-chuyen-doi-so-trong-toan-dang-bo-thanh-pho.html