Vụ 'suối' bùn đất phun trào giữa khu dân cư: Hỗ trợ mỗi hộ dân 1 triệu đồng

Sau sự cố phun trào bùn đất khi thi công dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, nhà thầu đã hỗ trợ 30 hộ dân mỗi hộ 1 triệu đồng

Ngày 24-2, thông tin từ chính quyền địa phương và chủ đầu tư - Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết bước đầu nhà thầu đã hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng sự cố phun trào bùn đất ở ngõ 7 phố Giang Văn Minh (phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội).

Công nhân vẫn đang xử lý sự cố sáng ngày 24-2

Công nhân vẫn đang xử lý sự cố sáng ngày 24-2

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, khoảng 15 giờ ngày 20-2, người dân trong ngõ 7, phố Giang Văn Minh phát hiện nhiều bùn đất trào lên từ các miệng cống thoát nước nên đã báo cơ quan chức năng. Đây là khu vực đang thi công đoạn ngầm tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đi qua.

Theo ghi nhận sáng 24-2, nhiều công nhân vẫn đang xử lý sự cố này. Bùn đất trong ngõ không còn nhiều, công nhân đã đậy bịt các vị trí hố, miệng cống phun.

Theo UBND quận Ba Đình, ngõ 7 phố Giang Văn Minh có hơn 30 hộ dân sinh sống. Trước khi xảy ra sự cố, 15 hộ dân đã đi tạm cư, 3 hộ (khả năng ảnh hưởng trực tiếp khi thi công đào hầm) đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Thông báo của MRB trước đó khẳng định loại phụ gia đào hầm phun trào trên mặt đường là hoàn toàn không gây hại, thân thiện với môi trường. Hiện tượng nói trên không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình cũng như không có thiệt hại về người.

Về nguyên nhân, MRB cho biết có thể do dưới lòng đất còn tồn tại giếng nước hoặc cống thoát nước cũ đã tạo thành đường đi cho phụ gia khoan hầm trào lên mặt đất (các giếng nước và cống cũ này không còn được sử dụng).

Theo quy trình của dự án, trước khi thi công khoan hầm, tư vấn và nhà thầu đã tiến hành khảo sát công trình dọc tuyến. Tuy nhiên, do sự thay đổi chủ sở hữu các công trình theo thời gian, nhiều thông tin không được cung cấp đầy đủ nên không tránh khỏi còn thiếu dữ liệu về các công trình ngầm như giếng nước, giếng khoan của nhà dân, hoặc các lỗ khoan khảo sát địa chất từ các dự án trước đây không được lấp lại.

Trong quá trình khoan, phụ gia khoan hầm được phun áp lực để giữ ổn định đất trước gương đào. Khi gặp phải lỗ hở như giếng nước, lỗ khoan thì phụ gia khoan hầm sẽ theo các lỗ rỗng này trào lên mặt đất.

Theo MRB, hiện tượng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và kết thúc ngay sau khi máy TBM khoan qua và lắp đặt vỏ hầm. Đây là một hiện tượng thông thường trong quá trình thi công các công trình khoan hầm trong đô thị.

MRB cũng cho biết hiện máy đào hầm số 1 đã thi công qua khu vực dân cư ngõ 7 phố Giang Văn Minh. Đến nay máy đào hầm số 1 đã đào được 1,2 km và vẫn đang tiếp tục thi công với tốc độ bình quân 10-12 m/ngày.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vu-suoi-bun-dat-phun-trao-giua-khu-dan-cu-ho-tro-moi-ho-dan-1-trieu-dong-196250224120135582.htm