Thành ủy Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Việc xây dựng quy định phân cấp, ủy quyền theo tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và cần phải được thực hiện quyết liệt theo phương châm 'từ trên xuống' trên cơ sở đề xuất 'từ dưới lên'.
Đây là một trong những nội dung lưu ý được nêu trong Quyết định số 2951-QĐ/TU ngày 28-7-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội”, do đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ký.
Theo đó, Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban. Phó Trưởng ban là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo. Ban Chỉ đạo có 27 ủy viên là lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố, giám đốc một số sở, ngành và bí thư, chủ tịch 10 quận, huyện.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố theo Kết luận số 52-KL/TU ngày 7-7-2022 kết luận Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 30-6-2022 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XVII).
Đồng thời, ngoài nội dung lưu ý nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo quan tâm một số nội dung quan trọng khác. Trong đó, phân cấp, ủy quyền phải bảo đảm hiệu quả và có tính khả thi. Tiếp cận vấn đề với tư duy đổi mới, đột phá; xác định phân cấp, ủy quyền là một nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân trên địa bàn Thủ đô.
Nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, một số địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ.
Việc phân cấp, ủy quyền cần phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của thành phố; gắn với tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nguồn lực thực thi; vấn đề phân cấp cần đồng bộ về quản lý nhà nước trước, trong và sau đầu tư của một số lĩnh vực.
Cần nghiên cứu, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, thủ tục hành chính do các sở, ngành đang thực hiện. Việc phân cấp, ủy quyền cần tăng cường cho các quận, huyện, cơ quan, đơn vị có khả năng và điều kiện làm tốt, đồng thời phải bảo đảm đồng bộ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật của từng đơn vị.
Cũng theo quyết định, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo; có trách nhiệm chủ trì tham mưu, tổng hợp, báo cáo phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.